Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (2/9 - 6/9): Xoay vòng quanh chiến tranh thương mại, Brexit và các cuộc họp lãi suất
Ảnh: investing.com
Ảnh: investing.com
Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 2/9 - 6/9
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Tổng thống Donald Trump và các quan chức Trung Quốc đã đồng loạt đưa ra một số động thái để xoa dịu thị trường. Điều này giúp đồng bạc xanh gia tăng sức mạnh so với các đồng tiền tệ chính khác.
Tuy nhiên, sự việc đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược vẫn là một dấu hiệu đáng ngại về nguy cơ suy thoái sắp đến.
"Tấn bi kịch" Brexit đã leo lên nấc thang mới sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đình chỉ quốc hội trong 5 tuần, bởi bước đi này sẽ giúp hạn chế khả năng phe đối lập ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, theo Forex Crunch.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế đáng buồn của Liên minh châu Âu (EU) đã đè nặng lên đồng EUR và cuối cùng đẩy tỷ giá EUR/USD xuống dưới mức 1,1. Thị trường đang không rõ liệu đồng EUR có tiếp tục suy yếu trong thời gian tới hay không.
Vào hôm 1/9, thuế quan bổ sung mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau sẽ bắt đầu có hiệu lực, đẩy cuộc chiến thương mại lên nấc thang căng thẳng mới.
Cụ thể, Trung Quốc đã chính thức áp thuế 5% lên dầu thô Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhằm vào loại nhiên liệu này kể từ khi hai nước bắt đầu cuộc chiến thương mại hồi đầu năm 2018.
Theo Reuters, một số mặt hàng khác cũng sẽ bị áp thuế từ ngày 1/9, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh không cho biết giá trị cụ thể là bao nhiêu tỉ USD.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế suất 15% lên khoảng 125 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm như loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày-dép.
Sự kiện thị trường ngoại hối 2/9 - 6/9
Thứ hai (2/9): Trung Quốc công bố chỉ số Caixin PMI sản xuất
Thước đo hoạt động của ngành công nghiệp Trung Quốc đã cho thấy sự co lại trong những tháng gần đây, mặc dù không quá đáng kể.
Gần đây nhất, vào tháng 8, chỉ số này đã giảm nhẹ từ mức 19,9 của tháng 7 trước đó xuống 49,8. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ ba (3/9): "Drama" Brexit, Australia quyết định lãi suất, Mỹ công bố một thước đo của ngành công nghiệp
Cuộc chiến trong quốc hội Anh về vấn đề Brexit
Hạ viện quyết tâm "phản đòn" sau khi Thủ tướng Boris Johnson ra lệnh đình chỉ quốc hội kể từ tuần thứ hai của tháng 9 đến ngày 14/10.
Các đảng đối lập sẽ cố gắng đưa ra bộ luật mới nhằm ngăn chặn việc đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. Đồng thời, chính phủ sẽ đưa ra biện pháp chống trả bước đi của ông Johnson.
Một lựa chọn khác của nước Anh hiện giờ là phế truất chính phủ của ông Johnson thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, tuy nhiên phe đối lập vẫn chưa chọn ra ai sẽ là người "cầm cương" chính phủ.
Trận chiến sẽ không chỉ diễn ra bên trong quốc hội mà còn kéo theo hai phiên tòa kháng cáo khẩn cấp lệnh đình chỉ quốc hội của Thủ tướng Anh.
Quan chức Anh và EU cũng sẽ tiếp tục đàm phán, phía Brussels muốn nghe một số đề xuất mới từ Anh về đường biên giới gây tranh cãi của Ireland.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định lãi suất
Sau khi "án binh bất động" trong hơn hai năm qua, RBA đã hạ lãi suất hai lần trong vài tháng gần đây.
Vì thị trường lao động vẫn đang nằm trong quĩ đạo ổn định, ngân hàng trung ương Australia được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất tiền mặt ở mức 1% trong cuộc họp chính sách lần này.
Mỹ công bố chỉ số ISM PMI sản xuất
Cuộc khảo sát chỉ số ISM PMI sản xuất mới đây chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp Mỹ đang chững lại, với kết quả tháng 7 ghi nhận ở mức 51.2. Các chuyên gia dự đoán chỉ số PMI sản xuất trong tháng 8 cũng không cải thiện nhiều so với tháng trước.
Thứ tư (4/9): Australia công bố GDP, Canada quyết định lãi suất
GDP quí II của Australia có khả năng tăng
Trong quí I, Australia ghi nhận mức tăng trưởng tương đối khả quan ở mốc 0,4%. Giới chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP quí II sẽ nằm quanh giá trị 0,5%, bất chấp sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) quyết định lãi suất
Hồi đầu năm nay, Canada từng ra hiệu động thái siết chặt chính sách tiền tệ, tuy nhiên dường như các quan chức tại BoC đã từ bỏ ý định tăng lãi suất.
Khi mà tăng trưởng kinh tế ghi nhận ở mức 3,7% trong quí II, BoC không có lí do gì để bước vào hàng ngũ các ngân hàng trung ương đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ hay bơm thêm kích thích vào thị trường.
Thống đốc Stephen Poloz và các đồng nghiệp dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75% và có thể bày tỏ một số lo ngại về nền kinh tế toàn cầu mà không cần vội vàng hành động.
Thứ năm (5/9): Mỹ công bố số liệu biên chế phi nông nghiệp ADP và chỉ số ISM PMI phi sản xuất
Số liệu biên chế phi nông nghiệp ADP
Các chuyên gia dự báo thị trường Mỹ sẽ đón nhận thêm 150.000 việc làm mới trong tháng 8 vừa qua. Mặc dù dữ liệu của ADP đôi khi không tương quan với dữ liệu chính thức, đây vẫn là một chỉ báo quan trọng đối với thị trừng.
Chỉ số ISM PMI phi sản xuất
Lĩnh vực dịch vụ đã vượt qua ngành sản xuất tại Mỹ để dẫn đầu mức đóng góp vào nền kinh tế Mỹ. Sau khi đạt 53,7 điểm hồi tháng 7 - trên ngưỡng 50 điểm, chuyên gia dự đoán chỉ số ISM PMI phi sản xuất trong tháng 8 cũng ghi nhận mức điểm tương đương là 54 điểm.
Thứ sáu (6/9): Mỹ công bố số liệu biên chế phi nông nghiệp chính thức, Chủ tịch Fed phát biểu
Số liệu biên chế phi nông nghiệp chính thức
Trước cuộc họp lãi suất quan trọng của Fed trong tháng 9, báo cáo việc làm là dữ liệu quan trọng cuối cùng được công bố.
Sau một vài tháng rơi vào trạng thái bất ổn, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận thêm 164.000 việc làm hồi tháng 7, vượt kì vọng của giới chuyên gia.
Trong tháng 8, thị trường việc làm được dự đoán đón nhận thêm 168.000 việc làm mới, trong khi tiền lương sẽ tăng 0,3% so với tháng trước.
Chủ tịch Fed phát biểu tại Zurich
Bên cạnh đó, trước khi Fed bước vào cuộc họp lãi suất vào ngày 18/9, Chủ tịch Jerome Powell sẽ có cơ hội chia sẻ kì vọng của ông với thị trường.
Ông Powell sẽ có bài bài phát biểu tại Zurich và có thể đưa ra nhiều thông tin hơn về bài diễn văn tại Jackson Hole cuối tháng 8 vừa qua.