Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 10/8 - 14/8: Nhà đầu tư đối mặt với rủi ro kép
Ngoài rủi ro kép nêu trên, các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối dự kiến sẽ theo dõi thêm đồng USD. Dù đã phục hồi phần nào sau báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày 7/8, đồng bạc xanh vẫn đánh dấu tuần thứ 7 liên tiếp sụt giảm giá trị.
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ sẽ công bố số liệu thất nghiệp hàng tuần vào ngày 13/8, sau đó là số liệu bán lẻ tháng 7 vào ngày 14/8. Trung Quốc cũng dự kiến công bố một loạt dữ liệu kinh tế mà nhà đầu tư có thể sẽ khó bỏ qua.
1. Rắc rối kép
Sau khi Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận chung về gói cứu trợ kinh tế mới, Tổng thống Trump đã kí thông qua một loạt lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chi tiết về các biện pháp cứu trợ có thể nhận được ngân sách chính phủ đến nay chưa rõ và Đảng Dân chủ cũng đã cảnh báo rằng các lệnh hành pháp của ông Trump thiếu rõ ràng về mặt pháp lí và có thể sẽ bị đem ra đánh giá trước tòa án.
Bất ổn xoay quanh gói kích thích kinh tế mới của Mỹ xuất hiện cùng thời điểm mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn.
Tuần trước, ông Trump đã công bố lệnh cấm đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như TikTok và Tencent, làm leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới.
Bất ổn đi kèm hai rủi ro trên có thể sẽ tiếp tục cản trợ tâm lí nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối, Investing.com dẫn lời các nhà phân tích cho hay.
2. Đồng USD tiếp tục suy yếu
Đồng USD đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch ngày 7/8 sau khi báo cáo việc làm tháng 7 giúp giảm bớt tâm trạng lo lắng của nhà đầu tư về thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn đánh dấu tuần thứ 7 liên tiếp mất giá.
Dù trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ đón nhận thêm 1,76 triệu việc làm (cao hơn dự báo một chút), mức tăng vẫn rất khiêm tốn so với con số 4,8 triệu việc làm mới ghi nhận trong tháng 6.
Nhà đầu tư trở nên ngại giao dịch đồng bạc xanh do số ca nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ tăng cao, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm đều và Quốc hội Mỹ bất đồng quan điểm về gói kích thích kinh tế tiếp theo.
Giới phân tích cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là so với đồng euro, đồng yen và đồng franc Thụy Sĩ khi mà thị trường dần mất niềm tin vào khả năng phục hồi theo mô hình chữ V của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Michael McCarthy - chiến lược gia trưởng tại CMC Markets, cho hay: "Tôi nhận định đồng USD sẽ tiếp tục mất giá. Dữ liệu mới không cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi".
3. Dữ liệu kinh tế Mỹ
Ngày 14/8, chính phủ Mỹ sẽ công bố sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7. Cả hai bộ số liệu này đều được dự đoán sẽ tăng nhẹ so với thời điểm phong tỏa toàn quốc.
Ngoài ra, một báo cáo riêng về tâm lí người tiêu dùng sơ bộ trong tháng 8 sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục phục hồi hay không.
Trước đó, Mỹ sẽ công bố số liệu thất nghiệp hàng tuần vào ngày 13/8 và chỉ số lạm phát giá tiêu dùng vào ngày 12/8.
4. Trung Quốc cũng ồ ạt công bố dữ liệu
Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế trong tuần này, theo đó nhà đầu tư sẽ quan sát để tìm kiếm dấu hiệu nhận biết liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có duy trì được đà phục hồi trước đó hay không.
Trong ngày 14/8, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ. Cả hai bộ dự liệu đều được dự đoán là sẽ đón nhận tín hiệu tích cực.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cập thêm số liệu về đầu tư, chỉ số lạm phát giá tiêu dùng và giá nhà, cùng một số chỉ số tiền tệ và cho vay khác.
Bên cạnh đó, quan chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ tiến hành đánh giá lại thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/8 tới.