Sự đối lập trong ngành công nghệ: Big Tech vẫn tăng, lập kỷ lục doanh số trong khi các công ty nhỏ lao đao vì lạm phát
Không có sự bùng nổ nào có thể tồn tại mãi mãi, ngay cả đối với các công ty giàu có nhất trong ngành công nghệ. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nền kinh tế đối mặt với nhiều sự bất ổn cũng như đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ suốt thời gian qua, giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ đã bị thổi bay 2.000 tỷ USD, theo New York Times.
Big Tech vẫn ghi nhận những kết quả tích cực
Nhưng trong tuần này, khi Mỹ báo cáo rằng sản lượng kinh tế giảm trong quý thứ hai liên tiếp, Microsoft, Alphabet, Amazon và Apple đã công bố doanh số và lợi nhuận cho thấy sự khác biệt so với phần còn lại của giới công nghệ.
Microsoft và Amazon đã chứng minh rằng các mảng kinh doanh dịch vụ đám mây sinh lợi của họ đang tiếp tục mở rộng ngay cả khi nền kinh tế nguội đi. Công ty con của Alphabet, Google, đã chứng minh rằng các quảng cáo tìm kiếm vẫn có nhu cầu, nhất là với các công ty du lịch và nhà bán lẻ. Trong khi đó, Apple đã chứng minh sự suy thoái trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị không ảnh hưởng đến hãng thông qua các con số về doanh số bán ứng dụng và dịch vụ đăng ký.
Nhìn chung, đó là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghệ có thể đã chạm đáy và đang bắt đầu phục hồi, Dave Harden, Giám đốc đầu tư tại Summit Global, một công ty gần Salt Lake City, đơn vị cũng đầu tư vào Apple cho biết.
Những kết quả được cải thiện đã góp phần giúp giá cổ phiếu các công ty công nghệ tăng lên, mặc dù thực tế là Alphabet và Microsoft không đạt được kết quả như kỳ vọng của các chuyên gia phố Wall.
Big Tech tin tưởng vào khả năng tăng trưởng dù ngành công nghệ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Kết quả cũng chỉ ra rằng các công ty không tránh khỏi những vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí gia tăng và sự thay đổi trong chi tiêu của khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khổng lồ không dễ bị tổn thương trước những thách thức đối với nền kinh tế như những công ty nhỏ hơn, chẳng hạn như Twitter và Snap, chủ sở hữu của Snapchat.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, CEO Snap đã cảnh về những tháng sắp tới, sử dụng những từ ngữ như “thách thức” và “sự không chắc chắn” để mô tả về những quý tiếp theo. Mối lo ngại về nền kinh tế đang khiến một số doanh nghiệp trong ngành, bao gồm cả gã khổng lồ Alphabet, đóng băng tuyển dụng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác.
Sundar Pichai, CEO Alphabet, coi nền kinh tế đang chậm lại như một cơ hội, nói rằng công ty sẽ tăng cường sự tập trung và “có kỷ luật hơn khi chúng tôi tiến về phía trước”. Ông nói thêm rằng: "Khi bạn đang ở chế độ phát triển, thật khó để luôn dành thời gian thực hiện tất cả các điều chỉnh. Vì vậy, những khoảnh khắc như hiện tại là cơ hội để chúng tôi làm điều đó”.
Trong thời điểm mà nhiều nhà đầu tư coi là minh chứng cho sự lạc quan của ngành, Microsoft cho biết họ dự kiến tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm tới còn Amazon dự kiến doanh số bán hàng sẽ tăng ít nhất 13% trong quý III.
Satya Nadella, CEO Microsoft, cho biết công ty sẽ tăng cường đầu tư trong năm nay để xây dựng các mảng kinh doanh của mình, trong khi Brian Olsavsky, Giám đốc tài chính của Amazon, cho biết doanh nghiệp sẽ có nhiều sản phẩm hơn trong kho cũng như cải thiện tốc độ giao hàng.
Sean Stannard-Stockton, Chủ tịch của Ensemble Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại San Francisco đang quản lý khối tài sản trị giá 1,3 tỷ USD cho biết: “Đó không phải là dự báo về sự suy thoái. Nếu chúng tôi tránh được một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, rõ ràng là nhiều doanh nghiệp trong nhóm Big Tech sẽ tăng trưởng mạnh trở lại”.
Mặc dù Apple và Alphabet không đưa ra dự đoán nhưng các công ty này cũng đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Việc Apple chi 21,7 tỷ USD và Alphabet chi 15,2 tỷ USD để dự trự hàng tồn kho đã làm chứng cho niềm tin của các công ty rằng doanh nghiệp của họ sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Một số mảng kinh doanh gặp khó
Meta, công ty mẹ Facebook, là một trong số các công ty công nghệ lớn nhất, đã báo cáo sự sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên kể từ khi niêm yết cách đây một thập kỷ. Vận đen của doanh nghiệp là do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ TikTok, vốn đã cướp đi người dùng và nhà quảng cáo từ Facebook, cũng như những thách thức từ các thay đổi về quyền riêng tư trên iPhone do Apple thực hiện.
Theo GroupM, một công ty nghiên cứu thị trường, thị trường quảng cáo được dự báo sẽ tăng 8,4% trong năm nay và 6,4% vào năm 2023. Brian Wieser, chủ tịch bộ phận báo cáo kinh doanh tại GroupM cho biết: “Tăng trưởng doanh số bán hàng của Facebook vào năm ngoái, khi doanh số hàng quý tăng 56%, khiến việc tiếp tục tăng trưởng là điều "không hợp lý".
Những thách thức tương tự đã ập đến thị trường thương mại điện tử. Tin chắc rằng sự gia tăng đơn đặt hàng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cách mọi người mua sắm, Amazon đã tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng để mở hàng chục nhà kho mới. Tuy nhiên, khi doanh số bán hàng hạ nhiệt, công ty đã đảo ngược hướng đi và quyết định đóng cửa, trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch mở ít nhất 35 nhà kho mới.
Đối thủ nhỏ hơn của Amazon là Shopify cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 10% nhân viên. Harley Finkelstein, Chủ tịch Shopify, cho biết năm nay sẽ là “một năm chuyển tiếp, trong đó mảng kinh doanh thương mại điện tử phần lớn sẽ được thiết lập lại”.
Với Apple, trở ngại lớn nhất của gã khổng lồ này đến từ việc họ phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất hầu hết các thiết bị của mình. Vào tháng 4, công ty cho biết họ sẽ mất khoảng 4 tỷ USD doanh thu do nhà máy ở Thượng Hải ngừng hoạt động, nơi sản xuất chính iPad và Mac. Dù vậy, công ty vẫn cố gắng tăng doanh số bán iPhone trong kỳ lên 3% và lập kỷ lục hàng quý về số lượng người mua điện thoại thông minh.
CEO Tim Cook của Apple nói rằng công ty đã nhìn thấy “một mớ hỗn độn”, bao gồm các hạn chế về nguồn cung, lạm phát tăng mạnh lên làm tăng giá thiết bị ở nước ngoài và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.