|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự cố gối cầu dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vẫn chưa được giải quyết

22:06 | 05/04/2022
Chia sẻ
Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố về sự cố gối cầu cao su của cầu cạn thuộc gói thầu số 2 (CP2) dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố về sự cố gối cầu cao su của cầu cạn thuộc gói thầu số 2 (CP2) dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; trong đó yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm sự việc theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình.

Sự cố gối cầu bị rơi, chuyển vị khỏi đá kê gối thuộc gói thầu CP2 bắt đầu xảy ra vào cuối tháng 10/2020. Kết quả kiểm tra phát hiện một vị trí trụ bị rơi gối cao su và 5 vị trí có chuyển vị gối cao su trong tổng số 900 trụ (chiếm 0,67%).

Theo Sở GTVT TP HCM, khi được phát hiện đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng và UBND TP HCM đã có nhiều văn bản ý kiến, chỉ đạo. Ban Quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan vẫn chưa có kết luận cuối cùng và có sự chưa thống nhất giữa các đơn vị liên quan về nguyên nhân sự việc. 

“Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phụ thuộc vào công tác xác định và các số liệu quan trắc, thí nghiệm của Liên danh SCC (nhà thầu CP2) cùng các báo cáo đánh giá của Liên danh WSP Finland và Transico (tư vấn độc lập bên thứ ba của Liên danh SCC) gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng công trình và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu liên quan”, Sở GTVT TP HCM phân tích.

Theo dự kiến của Ban Quản lý đường sắt đô thị thì “Tư vấn độc lập bên thứ ba của Liên danh SCC sẽ có các đánh giá về các nguyên nhân của sự việc rơi, chuyển vị gối cầu cao su dự kiến ngày 15/12/2021. Trên cơ cở đó, Ban Quan lý và đại diện của Chủ đầu tư – Tư vấn NJPT sẽ đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan vẫn chưa có kết luận và giải quyết sự việc. Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị cần khẩn trương, chủ trì, phối hợp với các tư vấn và nhà thầu lập kế hoạch chi tiết giải quyết sự việc đảm bảo phù hợp thực tế và quy định pháp luật để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc và có biện pháp xử lý nếu tiếp tục xảy ra việc chậm trễ.

Trước đó, Sở GTVT TP HCM cũng đã có các văn bản phân tích, báo cáo UBND thành phố và gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị về trách nhiệm quản lý chất lượng và xử lý phát sinh trong quá trình thi công dự án của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo đó, trong quá trình thi công tuyến metro số 1 (công trình cấp đặc biệt), Ban Quản lý đường sắt đô thị, Tư vấn chung NJPT và nhà thầu là các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình; khi công trình có phát sinh sự việc, tồn tại về chất lượng thì các cơ quan, đơn vị này có trách nhiệm giải quyết sự việc.

Ban Quản lý đường sắt đô thị với vai trò chủ đầu tư phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tư vấn và nhà thầu xác định nguyên nhân sự việc, đề ra biện pháp và triển khai khắc phục đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Trường hợp trong quá trình thực hiện có phát sinh nội dung vượt thẩm quyền mới cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo Sở GTVT TP HCM, việc Ban Quản lý đường sắt đô thị khẳng định “Liên danh SCC hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các chậm trễ nêu trên và chất lượng công trình” và kết luận “Ban Quản lý đường sắt đô thị và đại diện Chủ đầu tư – Tư vấn NJPT sẽ đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng, từ đó sẽ tiếp tục có báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân sự việc và đề xuất cho UBND thành phố hướng xử lý” là chưa phù hợp.

Ngoài ra, tại công văn ngày 21/3 vừa qua, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cũng đã có ý kiến “Hiện nay, Chủ đầu tư chậm trễ trong việc kết luận về xác định nguyên nhân sự cố và giải pháp khắc phục sửa chữa” và yêu cầu “Khẩn trương tổ chức xác định nguyên nhân sự cố rơi gối cầu, phê duyệt biện pháp khắc phục sửa chữa làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo”.

Để đảm bảo giải quyết sự việc phù hợp quy định, Sở GTVT TP HCM đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị thực hiện đầy đủ các ý kiến, chỉ đạo của UBND TP HCM, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thường xuyên báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng trong quá trình giải quyết sự việc; thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, chỉ đạo các tư vấn và nhà thầu khẩn trương giải quyết dứt điểm sự việc theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình; lập kế hoạch giải quyết sự việc đảm bảo phù hợp quy định; có biện pháp xử lý các cá nhân, đơn vị có hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết sự việc.

Tiến Lực