Tuyến metro số 1 TP HCM: Nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu vốn
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có nguy cơ chậm tiến độ do Trung ương rót vốn chậm. |
Tại cuộc họp giao ban định kỳ báo chí ngày 24/5, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, nếu vẫn lặp lại tình trạng Trung ương chậm rót vốn cho dự án thì nguy cơ tuyến metro số 1 của thành phố sẽ chậm trễ tiến độ hoàn thành đến sau năm 2020.
Trước đó, cuối tháng 9/2016, thành phố đã dừng thanh toán tiền cho các nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, bởi thời điểm này, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp vốn của dự án cho thành vì đã thanh toán vượt vốn ODA của năm 2016.
Trước Tết vừa qua, TP HCM đành phải ứng khoảng 600 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn tết. Đến hết quý I.2017, TP nợ nhà thầu là 1.339 tỉ đồng. Việc phân bổ vốn chậm đã làm cho 2/4 nhà thầu có văn bản cho biết sẽ giảm tiến độ, thậm chí ngừng thi công nếu không được thành phố thanh toán tiền.
Mô hình robot khoan hầm metro. |
Ông Quang cho biết, sau đó, thành phố đã nhận được vốn ODA của năm 2017 là 2.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu bằng tiền tạm ứng trước đó của TP. "Với tiến độ thi công tuyến metro số 1 trong năm 2017, TPHCM cần hơn 5.400 tỉ đồng thanh toán cho nhà thầu thi công" - ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, trong thời gian tới, nếu việc chậm rót vốn lặp lại, nhà thầu sẽ giảm tiến độ và ngưng thi công dẫn đến nguy cơ tuyến metro số 1 chậm tiến độ đến sau năm 2020 là rất lớn.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP cũng cho biết, ngày 26.5 tới sẽ bắt đầu đào ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đoạn từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP dài 781m. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam sử dụng loại thiết bị robot đào ngầm có đường kính lớn, gần 7m.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, robot TBM sản xuất từ Nhật và được chuyển về Việt Nam vào tháng 1/2017. Robot TBM sẽ khoan 12m đường hầm/ngày.
Trong quá trình đào, đất được chuyển lên băng tải guồng và nghiền xay đất thành bùn lỏng. Tiếp theo là qua các hệ thống lọc sẽ tách lấy nước để dùng lại cho mục đích thi công và đất cát sẽ chuyển đi ra khỏi công trường...
Dự kiến, thời gian khoan xong một đường hầm từ Ba Son về đến ga Nhà hát TP là 6 tháng. Sau đó, robot sẽ được tháo rời và đưa trở lại nhà máy Ba Son lắp ráp để khoan đường hầm thứ hai (dự kiến 6.2018 sẽ hoàn thành hầm thứ hai).