|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Start-up Việt đã qua thời… đói vốn

10:17 | 16/11/2017
Chia sẻ
Sự góp mặt của các tên tuổi lớn, am hiểu thị trường địa phương, đầy kinh nghiệm điều hành quản trị doanh nghiệp trong quỹ HSIF là sự đảm bảo một phần cho thành công của các start-up.

Những biểu trưng về gọi vốn thành công của các startup Việt vẫn là những cái tên tâm điểm như Thế Giới Di Động hay Golden Gate đã đi một chặng đường dài từ những bước đi chập chững đến xây dựng một đế chế thành công trên thị trường. Nhưng sự thành công trong mô hình kinh doanh của Thế Giới Di Động hay Golden Gate có sự đồng hành đầu tư tài chính của các quỹ ngoại cũng như hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp.

Một thời chỉ có quỹ ngoại vẫy vùng

Dấu ấn vốn ngoại cho các start-up Việt có thể kể đến rất nhiều, tương phản hoàn toàn cho sự vắng bóng của quỹ tài trợ Việt Nam trong những ngày non nớt của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, cho biết mô thức hoạt động của các startup Việt cũng như cộng đồng startup quốc tế là phải tìm các mô hình kinh doanh mới, có khả năng xây dựng quy mô, tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Các startup thường không có một hình mẫu để so sánh, đánh giá, ước lượng sự thành công. Đây là điều gây khó khăn cho nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư Việt thường e ngại mô hình startup do chưa hiểu mô hình tạo ra lợi nhuận ra sao trong khi dễ gặp rủi ro lớn, cũng như tâm lý không thích là người thử nghiệm đầu tiên.

start up viet da qua thoi doi von
Dreamplex nơi tạo ra không gian sáng tạo cho nhiều DN trẻ khởi nghiệp thành công thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại TP.HCM. Trong ảnh: Một DN khởi nghiệm thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới tại Dreamplex. Ảnh: Quang Lê

Các startup Việt cũng khó trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, do tính chất cho vay của chủ thể này đòi hỏi nhiều nguyên tắc bó buộc, như doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận, tài sản đảm bảo, mục đích vay… Song những yếu tố này là thứ mà startup phải chờ vào thời vận của tương lai. Phù hợp nhất cho startup có lẽ vẫn nằm ở các quỹ đầu tư mạo hiểm với tính chất sẵn sàng đầu tư theo xu thế và hiệu quả khai thác thị trường. Nhưng tại Việt Nam, chỉ thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động, với nguồn lực tài chính, mối quan hệ rộng, sự am hiểu kinh doanh, và sự nhạy bén về thời cuộc.

Xuất hiện nhiều kênh vốn “thuần Việt”

Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP.HCM (HSIF) do UBND TP.HCM thành lập với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng và sẽ nâng lên mức 100 tỷ đồng trong thời gian đến. Nguồn vốn của quỹ HSIF là sự chung tay của Ngân hàng Phương Đông (OCB), HDBank và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC).

Sự góp mặt của các tên tuổi lớn, am hiểu thị trường địa phương, đầy kinh nghiệm điều hành quản trị doanh nghiệp trong quỹ HSIF là sự đảm bảo một phần cho thành công của các startup.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đơn vị điều hành quỹ HSIF, cho biết Việt Nam hiện cũng có nhiều nguồn đầu tư mạo hiểm vào các start up, nhưng đa phần định hướng chuyên biệt về một lĩnh vào nào đó như công nghệ, thương mại điện tử… Với HSIF, các startup hoạt động mọi lĩnh vực đều có thể tiếp cận. Nguồn quỹ “thuần chất” của các nhà đầu tư Việt hướng đến mục tiêu cuối cùng là gia tăng nội lực cho các startup Việt sớm tăng trưởng ngay tại Việt Nam, thay vì tìm kiếm bài toán đăng ký kinh doanh ở quốc gia khác như hiện trạng thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, với sự tham gia của những nhà đầu tư sáng lập quỹ là những ngân hàng, doanh nghiệp lớn sẽ đem đến các giá trị thương hiệu, khách hàng, mối quan hệ cho các startup nhận được đầu tư. Bên cạnh đó, ở các nhà sáng lập quỹ là sự am hiểu thị trường địa phương, điều này cũng khá quan trọng đối với một số ngành nghề, một số giai đoạn trong vòng đời doanh nghiệp. Nhưng hoạt động ý nghĩa thiết thực nhất của quỹ chính là các startup luôn có người đồng hành đầy kinh nghiệm để dẫn đắt suốt chặng đường phát triển.

Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam nhằm kích thích sự tăng trưởng của các startup Việt thông qua các chương trình huấn luyện và phát triển doanh nghiệp đã được kiểm chứng, kết hợp với một mạng lưới các chuyên gia trên toàn cầu. Đề án này có một nguồn tài chính cho startup theo hình thức quỹ đầu tư Accelerator (vốn mồi). Có nghĩa rằng, startup sẽ nhận được một khoản vốn để gieo mầm, và những chỉ dạy đúng đắn để vững vàng trên con đường khởi nghiệp. Và sau đó các startup sẽ được hỗ trợ kết nối với các quỹ đầu tư khác để lớn mạnh. Cách làm này cũng khá tương tự với những vườn ươm tại các Khu công nghệ cao quận 9 TP.HCM (SHTP), hay Công viên phần mềm Quang Trung.

Một quỹ thuần Việt khác thuộc về FPT Ventures của Tập đoàn FPT, chuyên về đầu tư mạo hiểm mới thành lập vào đầu năm nay đang được kỳ vọng đem lại luồng gió mới cho cộng đồng khởi nghiệp. FPT Ventures có tổng số vốn đầu tư lên đến 3 triệu USD và sẽ chuyên đầu tư cho các startup ở lĩnh vực công nghệ. Các startup Việt sẽ được FPT Ventures cung cấp nguồn vốn đầu tư ban đầu, hỗ trợ nơi làm việc, ban cố vấn, kinh nghiệm mở rộng thị trường, tập khách hàng, hạ tầng kỹ thuật, năng lực marketing và truyền thông cũng như mối quan hệ với các quỹ đầu tư trên thế giới để triển khai sản phẩm trong nước và từng bước mở rộng ra khu vực.

Ở mảng khởi nghiệp nông nghiệp cũng đã có một quỹ đầu tư thiên thần do Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC). Cách làm cũng là đầu tư vốn cho startup và dùng kinh nghiệm, khả năng quản trị của các tổng giám đốc, ông chủ các doanh nghiệp Việt đã thành công, chuyên gia kinh tế tại LBC để hỗ trợ định hướng cho startup.

Phương Lê