Startup trong hệ sinh thái của chính cá mập đến Shark Tank gọi vốn
Ông Đào Quý Phi là nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Aplus Home - nền tảng cho thuê căn hộ dịch vụ. Aplus Home sử dụng công nghệ kết nối chủ nhà và những nhà đầu tư riêng lẻ nhằm tận dụng nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để mang đến giải pháp căn hộ dịch vụ cho đối tượng khách hàng trẻ.
Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp giải quyết nỗi ám ảnh của nhiều chủ nhà về dòng tiền ổn định khi thường gặp phải tình trạng không thể lấp đầy phòng trống hay các khách thuê vài tháng lại thay đổi. Đến với Shark Tank Việt Nam, Aplus mong muốn huy động hai triệu USD cho 11,8% cổ phần.
Đáng chú ý, Aplus cho thuê hơn 40 địa điểm (tòa nhà 4 - 5 tầng) tại các thành phố lớn và là một startup trong hệ sinh thái Beta Group của "cá mập" vừa gia nhập Shark Tank là ông Bùi Quang Minh.
Ý tưởng của Aplus Home bắt nguồn từ nhu cầu thực tế khi chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có đến 9 triệu người đang đi thuê, trong đó có 2 triệu người thuộc phân khúc khách hàng mục tiêu. Theo đó, Aplus Home đã chọn thế mạnh là phát triển theo chuỗi với việc cung cấp từ nội thất, thiết kế cho đến quản lý vận hành, kể cả việc tạo ra nguồn cung phòng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông Đào Quý Phi cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng của Aplus luôn luôn trên 95% dù chỉ vừa xuất hiện trên thị trường từ năm 2021. Đến năm 2022, sau khi triển khai những địa điểm đầu tiên, Aplus bắt đầu có doanh thu 7 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, Aplus Home đạt doanh thu là 12 tỷ đồng và theo kế hoạch dự kiến sẽ đạt doanh thu 35 tỷ đồng trong năm nay.
Doanh thu của công ty đến từ ba mảng chính, gồm 70% đến từ cho thuê phòng, 25% đến từ việc quản lý vận hành, 5% còn lại chính là dịch vụ giá trị gia tăng. Theo nhà sáng lập, lợi nhuận ước tính rơi vào khoảng 35 - 40% cho mỗi tòa nhà.
Với thắc mắc của cá mập về lợi thế cạnh tranh, ông Đào Quý Phi cho rằng khi hợp tác với Aplus, cái được của chủ nhà là có thương hiệu vào vận hành, làm đẹp căn nhà và tạo dòng tiền về ổn định. Nếu chủ nhà đã sửa sang xong, Aplus sẽ cung cấp gói quản lý vận hành.
Shark Bình không đồng tình với mức giá mà Aplus đưa ra. Ông cho rằng valuation cap (giới hạn định giá) của startup phù hợp với giai đoạn bong bóng công nghệ đang nổ ra vào năm 2021. Bước sang 2022, bong bóng công nghệ đã vỡ, khẩu vị đầu tư của giới công nghệ đã thay đổi nên ông Bình cho rằng định giá đưa ra phải thực tế hóa.
Trước ý kiến của Shark Bình, đại diện Aplus cho viết startup đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6 cùng với dòng tiền dương. Doanh thu dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt ít nhất là 35 tỷ đồng với EBITDA rơi vào khoảng 23%.
Ấn tượng với những con số mà startup chia sẻ, Shark Bình đề nghị đầu tư hai triệu USD đổi lấy 25% cổ phần.
Về phía Shark Hưng, ông đề nghị đầu tư 500.000 USD đổi lấy 5% cổ phần và 1,5 triệu USD còn lại sẽ rót cho Aplus với vai trò nhà đầu tư riêng lẻ. Sau khi hoàn vốn, phần vốn gốc sẽ được ông chuyển thành cổ phần.
Thương lượng thêm với Shark Hưng, đại diện Aplus đề nghị khoản 500.000 USD Shark sẽ đầu tư với mức định giá là 13 triệu USD. Sau khi cân nhắc, Shark Hưng cho biết ông sẽ đầu tư hai triệu USD cho Aplus, trong đó 500.000 USD đổi lấy 4% cổ phần, tương đương với định giá là 12 triệu USD; 1,5 triệu USD là tiền đầu tư với điều kiện hoàn vốn trong vòng 24 tháng.
Nếu startup đạt được điều kiện đó, 1,5 triệu USD này sẽ được chuyển thành cổ phần với định giá doanh nghiệp cao nhất là 20 triệu USD. Ông Đào Quý Phi đã chấp nhận đề nghị của Shark Hưng, khép lại thương vụ lớn nhất từ đầu Shark Tank mùa 6.