|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup 'Ruốc Nấm' kêu gọi vốn 1,5 triệu USD, kỳ vọng mở rộng 1.000 điểm bán

09:00 | 30/05/2021
Chia sẻ
Một startup chuyên sản xuất thực phẩm chế biến từ nấm thay thế thịt động vật đang dự tính mở rộng thị trường ngoài Việt Nam với tham vọng đạt doanh số lên 4,5 triệu USD.

Emmay, một công ty chuyên sản xuất thực phẩm chế biến từ nấm, đã kêu gọi đầu tư mạo hiểm với số vốn ít nhất 1,5 triệu USD tại sự kiện ThinkZone Virtual Investment Day. Doanh nghiệp này kỳ vọng trong hai năm tới có thể nâng doanh số lên 4,5 triệu USD.

Đồng thời, chính thức tung ra thị trường sản phẩm thực vật thay thế thịt động vật tại Việt Nam cũng như các thị trường Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như đạt ít nhất 1.000 điểm bán.

Với số vốn này, doanh nghiệp sẽ dồn lực vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), cải thiện máy móc, rồi sau đó đầu tư vào bán hàng, marketing, thuê nhân sự để vận hành trơn tru và mở rộng thị trường.

Startup 'Ruốc Nấm' kêu gọi vốn 1,5 triệu USD, kỳ vọng mở rộng 1.000 điểm bán - Ảnh 1.

Bà Phạm Hồng Vân, Nhà sáng lập kiêm CEO CTCP Emmay và các cộng sự (Emmay). (Ảnh: Emmay).

Theo bà Phạm Hồng Vân, Nhà sáng lập kiêm CEO CTCP Emmay và các cộng sự (Emmay), xu hướng tìm kiếm thịt thực vật thay thế thịt động vật tăng nhanh qua các năm. 

Cụ thể, số liệu thống kê từ Emmay cho hay tốc độ tăng trưởng ở thị trường thịt thực vật từ 7-10% trong vòng 5 năm qua. Và dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 15% với giá trị đạt ngưỡng 27 tỷ USD vào năm 2025.

Bởi vậy, công ty đã cho ra đời các dòng sản phẩm là thịt thực vật và thực phẩm chế biến từ protein nấm, được sử dụng tương tự như đồ chay. Thị trường mà doanh nghiệp này nhắm đến ngoài người ăn chay thì có người đang ăn kiêng, người đang quan tâm tới sức khỏe và môi trường với độ tuổi từ 20 đến 55.

Về quy mô thị trường chay Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, bà Vân cho biết ở thị trường này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh và được "trẻ hóa" ở thế hệ Gen Z (từ năm 1995 đến 2010). Thống kê của Emmay cho thấy có hơn 10 triệu người ăn chay thường xuyên (theo kỳ), chủ yếu tập trung ở thị trường miền Nam.

Bà Vân tiết lộ doanh thu cho hai dòng sản phẩm thịt thực vật và thực phẩm chế biến từ protein nấm đạt xấp xỉ 800.000 USD (ghi nhận kể từ khi thành lập năm 2017 tới quý I/2021). Công ty cũng thu về gần 85.000 USD từ việc bán thịt thực vật thử nghiệm trên thị trường. Giảm giá thành xuống 30% so với năm 2019

Trước đó, công ty đã nhận hai khoản tài trợ từ quỹ đầu tư của Mỹ và trải qua 3 vòng gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần với tổng số vốn ở cả ba vòng là 250.000 USD, vị này chia sẻ. Nguồn vốn này, bà Vân cho biết công ty sử dụng cho nâng cấp cơ sở nhà xưởng, R&D sản phẩm (trong đó có nghiên cứu sản phẩm thực vật thay thế thịt động vật).

Chia sẻ tại sự kiện, bà Vân cho hay giai đoạn này vẫn đang là thời điểm sơ khai cho thực phẩm thay thế thịt động vật. Vì vậy, giá thành sản phẩm của công ty đắt hơn từ 50% đến 70% so với thịt động vật thông thường. Đơn cử như giá thành một túi 200gram thịt thực vật là 130.000 đồng.

Nói về mức giá cao so với thị trường ở thời điểm mới gia nhập, bà Vân kỳ vọng ở một thời điểm nhất định, khi quy mô sản xuất và độ phổ cập của sản phẩm tăng lên thì giá bán của sản phẩm sẽ dần giảm xuống.

"Chúng tôi dự báo trong 7-10 năm tiếp theo, loại thịt này có thể thay thế cho thịt động vật. Khi đó quy mô sản xuất đã lớn hơn nhiều, các sản phẩm cũng đa dạng hơn và người tiêu dùng cũng đón nhận nhiều hơn", bà Vân chia sẻ đồng thời cho biết danh sách khách hàng có khoảng 1.000 người tiêu dùng cuối.

Nhắc tới vụ việc pate Minh Chay nổi lên vào tháng 8/2020 vừa qua gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của thực phẩm chay, bà Vân cho rằng đây không phải là vấn đề thực phẩm chay hay "không chay" mà là vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Khi chế biến bất kỳ thực phẩm biến sẵn và ăn liền nào thì phải bảo đảm các tiêu chí nhất định. Tôi cho rằng người tiêu dùng hiện nay rất thông minh khi lựa chọn cơ sở nào đủ an toàn và vệ sinh để lựa chọn sản phẩm. Tất nhiên, khi xảy ra vụ việc của cơ sở Minh Chay, người tiêu dùng có tâm lý e dè nhưng khi hiểu vấn đề, họ vẫn quay lại sử dụng sản phẩm của chúng tôi", bà Vân nói.

Các sản phẩm của Emmay hiện đang phân phối tại các siêu thị lớn như Aeon Mall, Saigon Coop hay BigC... Các điểm bán thực phẩm sạch, công ty mới chỉ phân phối tại khoảng 200 điểm do nguồn lực còn hạn chế.

Emmay cho biết 80% doanh thu từ việc bán sỉ ở các nhà phân phối và kênh siêu thị. Đối với khách sỉ, họ mua 1-2 đơn hàng/lần, còn các khách hàng lẻ tập trung bán trên fanpage, trang thương mại điện tử, bán hàng online.

Tường Vy