|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup 'quản gia công nghệ' ra đời được nửa năm nhận cam kết đầu tư 100.000 USD từ Shark Hưng

07:20 | 01/08/2022
Chia sẻ
Mặc dù còn non trẻ song mô hình kinh doanh rõ ràng và tiềm năng của AirCity đã thuyết phục thành công Shark có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản.

 Anh Lê Hoàng Nhật, người đồng sáng lập AirCity, gọi vốn trong Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trong tập 9 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”, anh Lê Hoàng Nhật, đồng sáng lập kiêm CEO AirCity đã kêu gọi 100.000 USD đổi lấy 2% cổ phần công ty (nằm trong kế hoạch gọi vốn vòng seed quy mô 1 triệu USD ở định giá pre-money 4 triệu USD).

AirCity là startup cung cấp dịch vụ quản lý toà nhà trọn gói dành cho các chủ nhà và đơn vị kinh doanh nhà cho thuê với các tác vụ quản lý như check-in/check-out cho khách, quản lý hợp đồng, quản lý sự cố, thu hộ, chi hộ, phát hành hoá đơn, bảo trì, bảo dưỡng toà nhà, dọn dẹp vệ sinh.

AirCity khẳng định đã giải quyết được 3 “nỗi đau” cho chủ nhà bao gồm nỗi đau về tài chính (thất thoát tiền cọc, mất mát tài sản), nỗi đau về tinh thần (phải túc trực 24/7 để phục vụ khách thuê) và nỗi đau về việc khó có thể tăng được quy mô kinh doanh. AirCity hiện tại đang giúp 12 đối tác quản lý 40 toà nhà với hơn 500 căn hộ dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ.

AirCity hiện sử dụng cách tiếp cận xây dựng nền tảng công nghệ có thể đấu nối với nhiều dịch vụ khác ví dụ như Tiki (dữ liệu bán phòng), Zalo (hoá đơn, đánh giá), fintech (hoá đơn, thanh toán, gạch nợ tự động) hay camera AI (check-in không cần dùng thẻ).

AirCity bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2021 với một chương trình của quỹ đầu tư Antler. Sau khi phát triển ý tưởng, AirCity nhận được đầu tư của Antler với 85.000 USD đổi lấy 12% cổ phần. AirCity đặt ra mục tiêu phục vụ 100.000 căn họ ở Đông Nam Á và sẽ sớm trở thành một “kỳ lân” của Việt Nam trong lĩnh vực proptech (công nghệ bất động sản).

Sau khi nghe phần trình bày của AirCity, Shark Louis đặt ra câu hỏi vì sao định giá giữa 2 lần gọi vốn của AirCity chênh lệch quá cao trong một thời gian ngắn. Trước đó, khi Antler đầu tư, AirCity được định giá khoảng 700.000 USD. Anh Lê Hoàng Nhật nói rằng định giá được đưa ra dựa trên mức tăng trưởng doanh thu của startup. Mô hình kinh doanh của AirCity hiện đang thu được phí khoảng 5% dựa trên GMV (tổng khối lượng giao dịch) trên nền tảng. Nguồn thu của AirCity cũng đến từ hoạt động môi giới cho thuê.

Khi nói đến mô hình kinh doanh, Shark Hưng khẳng định mô hình kinh doanh của AirCity là quản lý cho thuê thay vì quản lý căn hộ bởi doanh thu của AirCity đến từ phần trăm tiền thuê nhà thay vì phí dịch vụ. Anh Lê Nhật Hoàng cho biết thêm hiện startup của anh mới chỉ nhắm đến đối tượng nhà phố thay vì nhà chung cư. Với chung cư, hiện tại AirCity mới chỉ đang hợp tác với một đơn vị quản lý trong vai trò đối tác chuyển đổi số.

Shark Bình nói rằng trong tài liệu gọi vốn của AirCity đang đề nghị gọi vốn 200.000 USD với định giá 1,4 triệu USD (pre-money). Với định giá này, mức đầu tư trên Shark Tank đang đắt gấp 4 lần. Anh Lê Nhật Hoàng cho biết đây là mức đầu tư mà AirCity đã kêu gọi 2 tháng trước và đây là kế hoạch ngắn hạn (gọi vốn hoàn thành trong khoảng 3 tháng). Sau khi tính toán lại, AirCity đổi mục tiêu gọi vốn sang như hiện tại song chưa điều chỉnh lại tài liệu.

Shark Hưng nhận định mô hình  của AirCity không cần đến quá nhiều vốn. Tuy nhiên, anh Nhật cho biết điểm thiệt thòi của AirCity là hiện tại chưa có đội ngũ công nghệ riêng đồng thời AirCity cần vốn để xây dựng cộng đồng cư dân cũng như bắt đầu tiến đánh nhóm chung cư. Bên cạnh đó, AirCity cũng đang mong muốn thí điểm một dự án micro-warehouse (nhà kho) để thực hiện một số dịch vụ như giặt sấy và không gian thuê đồ cho các cư dân.

Shark Linh đặt ra câu hỏi liệu mô hình của AirCity có giống Airbnb không. Anh Nhật cho biết Airbnb là mô hình cho thuê ngắn hạn còn AirCity hướng dẫn gói thuê dài hạn tối thiểu từ 6 tháng trở lên.

Khi nói đến trải nghiệm khách hàng, AirCity cho biết hiện tại chưa có ứng dụng riêng do hành vi người dùng e ngại cài đặt thêm các ứng dụng. Vì thế, AirCity thực hiện theo chiến lược tích hợp vào nhiều dịch vụ bên thứ 3 để tiếp cận người dùng. Ví dụ, để báo cáo sự cố nhà ở, người dân chỉ cần thực hiện quét mã QR với mức độ bảo mật cao.

Shark Hưng đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần. Đến đây, anh Nhật cho biết khi tích hợp được thêm nhiều dịch vụ để tần suất sử dụng dịch vụ tăng lên, AirCity vẫn sẽ cần phát triển ứng dụng. Đó là lý do vì sao AirCity hướng đến con số gọi vốn 1 triệu USD ở vòng seed để xây dựng đội ngũ công nghệ.

Shark Linh, Shark Liên và Shark Louis đều lần lượt từ chối đầu tư do công ty còn quá sớm đồng thời không thuộc lĩnh vực quan tâm. Shark Bình không đầu tư do không thể đưa ra được mức định giá cao hơn so với mức Shark Hưng đưa ra.

Quay trở lại với đề nghị của Shark Hưng, anh Nhật đưa ra đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 5% cổ phần. Shark Hưng cho biết sau khi ông đầu tư AirCity có thể được tích hợp với hệ sinh thái của Shark Hưng (nhà chung cư). Tuy nhiên, Shark Hưng cho biết ông không hứng thú với việc mở rộng kinh doanh ra Đông Nam Á vì tính chất phức tạp của vấn đề, trong khi đó thị trường Việt Nam là đủ để khai thác. Cuối cùng, AirCity đề nghị nhận đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần.

Nam Khánh