Startup nên săn tiền hay săn shark khi gọi vốn?
Giới startup Mỹ ráo riết gọi vốn để đối mặt với suy thoái |
Tham gia Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, Công ty Cổ phần Dô ta nhận được lời đề nghị đầu tư 4,65 tỉ đồng từ “cá mập” Nguyễn Xuân Phú dưới dạng cho vay trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 20% một năm.
Mặc dù mức lãi suất mà shark Phú đưa ra cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay của ngân hàng: dao động từ 12% - 15%/năm, nhà sáng lập của Dô ta, anh Đỗ Hoàng Nam vẫn chấp nhận đề nghị đầu tư này.
Trong chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”, anh Hoàng Nam chia sẻ: “Tiền không phải là tất cả, mà quan trọng là tìm nhà đầu tư phù hợp với mô hình kinh doanh. Ở mỗi thời điểm, startup phải biết họ cần gì và ưu tiên điều gì.
Ở thời điểm đó, ngoài mục tiêu về vốn, Dô ta cần đến một nhà đầu tư chiến lược mang đến những hỗ trợ về quy trình vận hành, marketing, cũng như truyền thông. Vì vậy, ưu tiên của Dô ta là lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp với mô hình kinh doanh, hơn là việc làm sao gọi số tiền nhiều nhất.
Nhà sáng lập Dô và và "cá mập" Trần Anh Vương trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp. |
Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, thành quả thu về không chỉ là tiền, mà còn là những phút gỡ rối cho doanh nghiệp. “Cá mập” Nguyễn Mạnh Dũng cũng chia sẻ: “ Nhà đầu tư có thể hỗ trợ thêm về mặt quản trị cũng như về mặt chiến lược, tuyển dụng nhân sự cao cấp, tạo ra network những đối tác quan trọng. Nếu đổi ra tiền, những thứ đó sẽ có giá trị lớn hơn giá trị đầu tư”.
Tuy nhiên, nhận được tiền cùng sự trợ giúp về chiến lược kinh doanh từ các “cá mập” lại là điều không hề đơn giản. Các start-up sẽ trải qua quá trình thẩm định đầu tư (Due Dilligence), với ba hình thức thẩm định đầu tư phổ biến: tài chính, thương mại, pháp lý. Ngoài ra, tuỳ theo mong muốn, nhà đầu tư có thể thẩm định về môi trường, nhân sự và quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải báo cáo đầy đủ, chi tiết về thông tin sản phẩm, tình hình hoạt động, tình hình tài chính cũng như kế hoạch phát triển, kế hoạch sử dụng vốn của nhà đầu tư và cam kết các chỉ tiêu đề ra.
Một thực tế là nhiều startup thành công trong bước đầu tiếp cận “cá mập” nhưng sau đó lại thất bại trong việc gọi vốn sau quá trình thẩm định đầu tư.
Trong quá trình thẩm định đầu tư, nếu số liệu thực tế khác quá xa so với số liệu mà doanh nghiệp đã đưa ra thì quá trình thẩm định ngay lập tức sẽ dừng lại. “Số liệu trong quá khứ và phương án cho tương lai quyết định phần lớn tới kết quả của quá trình thẩm định đầu tư”, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội chia sẻ.
Một lí do thứ khác cho việc quá trình thẩm định đi đến thất bại là sự mâu thuẫn trong định hướng kế hoạch kinh doanh tương lai.
Bên cạnh đó, ông Vương cho rằng các yếu tố bên ngoài thay đổi có thể tác động trực tiếp đến phương án kinh doanh và khiến mô hình kinh doanh không còn trở nên phù hợp.
Chính vì vậy, từ khi chuẩn bị hồ sơ đến khi triển khai hợp đồng hợp tác, startup phải có sự chuẩn bị càng kĩ lưỡng càng tốt. Đôi khi, cách nhìn nhận, đánh giá về sự triển vọng cũng như xu hướng phát triển của doanh nghiệp và nhà đầu tư không được thống nhất. Như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần có sự trao đổi rõ ràng, chi tiết để đưa ra được một bản hợp đồng thống nhất, rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của đôi bên.
Nhà sáng lập Dô ta chia sẻ: ‘Quá trình thực hiện DD với Sunhouse nhiều chông gai, do bất đồng trong quan điểm”. Anh cho biết, tương lai là chuyện chưa xảy ra, và mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá dựa trên kinh nghiệm quá khứ của mình, vì vậy không ai giống ai cả. Trong khi đó, việc định giá lại dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, anh Hoàng Nam cũng chia sẻ: “Nếu vì lợi ích doanh nghiệp, chắc chắn startup sẽ bị nhà đầu tư xử ép, nhiều khi còn đi đến bế tắc”. Startup phải cân nhắc, bám sát mục đích ban đầu, bởi nếu không, start-up sẽ mất định hướng ban đầu. Về quan điểm của nhà đầu tư, ông Trần Anh Vương cho rằng việc “xử ép” ngay từ đầu là một hướng đúng đắn, để tránh những rắc rối khi trường hợp xấu xảy ra khi doanh nghiệp không thành công.
Bên cạnh đó, ông Vương cho rằng, trong đầu tư cho startup, định tính lại quan trọng hơn. Các số liệu có thể không quá sát với thông tin startup đã đưa ra nhưng nếu định hướng của doanh nghiệp phù hợp với nhà đầu tư, hai bên vẫn có thể ký hợp đồng hợp tác.
Xem thêm |