|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup Hàn Quốc nuôi mộng trở thành 'Amazon của các dịch vụ gia đình', có thể tiến vào thị trường Việt Nam

13:41 | 15/08/2022
Chia sẻ
Một startup Hàn Quốc từng lọt vào danh sách Forbes Asia "100 Watch" năm 2021 đang muốn mở rộng ra nhiều thị trường khác tại châu Á, bao gồm Việt Nam thông qua các vòng gọi vốn mới có thể được thực hiện trong năm nay.

Trong 7 năm qua, Victor Ching đã tạo nên một doanh nghiệp có chỗ đứng trong lĩnh vực dọn nhà tại Hàn Quốc có tên là Miso, đơn vị từng lọt vào danh sách Forbes Asia “100 Watch” vào năm 2021, theo Forbes.

Mặc dù lĩnh vực dọn dẹp nhà cửa là một thị trường tương đối nhỏ so với thương mại điện tử hay giao đồ ăn, song Miso đã tạo ra một vị thế nhất định, dẫn đầu tại Hàn Quốc trong lĩnh vực này và được nhiều người biết tới.

Đội ngũ Miso, startup Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành "Amazon của dịch vụ gia đình". (Ảnh: Forbes).

Muốn trở thành "Amazon của các dịch vụ gia đình"

Miso, có nghĩa là "nụ cười" trong tiếng Hàn, đã phục vụ hơn 5 triệu lượt đặt trước kể từ khi thành lập vào năm 2015. Trong số đó, gần 90% là khách hàng cũ, công ty có trụ sở tại Seoul cho biết. Những nhà đầu tư hàng đầu của Miso bao gồm vườn ươm Thung lũng Silicon Y Combinator và Strong Ventures có trụ sở tại Los Angeles. Tính đến hiện tại, nền tảng này đã huy động được hơn 11 triệu USD.

Sau nhiều năm tăng trưởng ổn định trong thị trường vệ sinh gia đình của Hàn Quốc, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Victor Ching đang đưa Miso sang trang mới. Ông đặt mục tiêu tái tạo thành công của Miso với 70 dịch vụ khác mà công ty hiện đang cung cấp cũng như từng bước đưa nền tảng này ra thị trường quốc tế. Nhằm đạt được mục tiêu này, Miso đặt kế hoạch huy động 30 triệu USD trong năm nay.

Victor Ching, 41 tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi đang tập trung vào việc xây dựng một nền tảng giúp đặt dịch vụ dễ dàng như mua sản phẩm trực tuyến. Miso nhắm mục tiêu trở thành “Amazon của các dịch vụ gia đình”. Chúng tôi tin rằng việc có nhiều dịch vụ để lựa chọn là rất quan trọng vì bạn không cần các dịch vụ giống nhau”, ông nói, đồng thời đề cập tới sự thành công của tỷ phú Jeff Bezos.

Thông qua ứng dụng của mình, Miso cung cấp các dịch vụ thường xuyên, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa, giặt là và trông giữ vật nuôi, cho đến các công việc không thường xuyên như sửa chữa, di chuyển và tu sửa nội thất.

Công ty cho biết họ có hơn 500.000 khách hàng trả tiền và hơn 50.000 nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng của mình. “Bạn có thể cần nhiều loại dịch vụ khác nhau trong một năm, vì vậy chúng tôi cảm thấy trải nghiệm tốt nhất mà chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng là đem tới một nền tảng tổng hợp, nơi bạn mở ứng dụng Miso và có mọi thứ cần thiết ở đó”, Ching nói.

Miso ghi nhận doanh số tăng vọt kể từ khi bổ sung thêm các dịch vụ gia đình vào tháng 9/2020. Ông Victor Ching từ chối đưa ra số liệu doanh thu cụ thể, nhưng chia sẻ rằng tổng doanh số các lượt đặt trước gần như tăng gấp ba lần, từ 47 triệu USD vào năm 2020 lên hơn 128 triệu USD vào năm 2021. Ông dự kiến con số này sẽ còn tăng thêm nếu kế hoạch của Miso đi đúng hướng.

Mặc dù kế hoạch của Ching về một nền tảng dịch vụ xe buýt tại nhà là đầy tham vọng, John Nahm, người đồng sáng lập và đối tác quản lý của Strong Ventures, lại tỏ ra tự tin vào CEO Miso.

“Cũng giống như nhiều nhà sáng lập vĩ đại khác, Victor rất chú trọng vào dữ liệu. Anh ấy rất tỉ mỉ trong cách tiếp cận các mảng kinh doanh mới. Anh ấy thực hiện một thử nghiệm nhanh và sau đó, nếu dữ liệu cho thấy mọi thứ có thể hoạt động, Victor sẽ làm hết sức mình với mảng kinh doanh đó”, ông John Nahm nói.

Trước khi bắt đầu với Miso, Ching từng đồng sáng lập một ứng dụng hẹn hò có tên Chinchin vào năm 2014 nhưng đã thất bại sau gần hai năm. Ching viết trên LinkedIn về trải nghiệm này: “"Rút ra bài học quan trọng rằng xác nhận bên ngoài từ các nhà đầu tư và hoặc báo chí là vô giá trị. Điều cần thiết nhất là khách hàng yêu thích sản phẩm của bạn. Ngoài ra, Ching, người lớn lên ở Hawaii và học kinh doanh tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, cũng là Giám đốc sản phẩm của ứng dụng giao đồ ăn Yogiyo.

Gọi vốn để mở rộng sang các thị trường khác

Miso có kế hoạch sử dụng vòng gọi vốn Series B để thúc đẩy tăng trưởng. “Nền tảng cốt lõi của chúng tôi đang hoạt động ổn định và chắc chắn nguồn vốn tài trợ lớn sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đó”, CEO Miso cho biết, đồng thời nói thêm rằng vòng gọi vốn mới dự kiến ​​sẽ được hoàn thành vào mùa hè này.

Lần gọi vốn cuối cùng của nền tảng này là vào năm 2018, khi Miso nhận được 8 triệu USD từ Strong Ventures và Y Combinator cũng như AddVenture, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào dịch vụ gia đình. Ching thừa nhận Miso sẽ hướng tới việc IPO trong tương lai, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này.

Ching, có mẹ là người Hàn Quốc và cha là người Trung Quốc, có những kế hoạch lớn về việc mở rộng ra quốc tế và hiện đang cân nhắc một số thị trường như Hong Kong, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Thay vì chỉ đơn giản tung ra các phiên bản Miso bằng tiếng Trung hoặc tiếng Indonesia, Ching thích hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ gia đình có uy tín tại địa phương. “Khi chúng tôi đưa ra quyết định cuối cùng là thâm nhập một thị trường mới, chúng tôi sẽ làm việc với một đối tác địa phương đã có mặt tại thị trường đó. Vì các dịch vụ gia đình có tính địa phương cao, chúng tôi muốn làm việc với các công ty đã có sẵn và những người sáng lập trong hệ sinh thái địa phương”, Ching nói, đồng thời cho biết đã gặp một số nhà cung cấp nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Doanh Chính