Startup giao hàng Việt Nam tham vọng niêm yết tại Mỹ muốn vay nợ thay vì gọi vốn
Theo thông tin từ DealStreetAsia, startup giao hàng TMĐT trong 1 giờ Loship đang tìm kiếm cơ hội gọi vốn thông qua hình thức vay vốn thay thì tiếp tục vòng gọi vốn Series C.
Trước đó, vào đầu tháng 8 năm ngoái, Loship công bố vòng gọi vốn với giá trị 12 triệu USD do BAce Capital (một quỹ đầu tư có Ant Financial là đối tác lớn nhất) và bộ phận đầu tư của Sun Hung Kai & Co dẫn dắt. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng gọi vốn này bao gồm Wealth Well, Prism Ventures, SQ Capital và MetaPlanet Holdings. Theo Tech in Asia, số vốn 12 triệu USD kêu gọi nằm trong vòng gọi vốn Pre-Series C. Vòng gọi vốn này được cho là đã đưa định giá của Loship lên 100 triệu USD, dù vậy, Loship từ chối xác nhận thông tin này, theo Nikkei.
Ở thời điểm đó, Tech in Asia nói thêm rằng Loship đang tích cực tham gia đàm phán cho vòng gọi vốn Series C và kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Loship công bố quy mô gọi vốn thành công của mình. Trước đó, các vòng gọi vốn của startup này đều được thực hiện dưới hình thức không công bố các thông tin chi tiết về tài chính.
“Ở trong một thời điểm có nhiều yếu tố không chắc chắn như lúc này, công ty đang chuyển sang chế độ tồn tại thay vì chế độ gọi vốn. Vì thế, tìm kiếm các khoản đầu tư thông qua hình thức vay vốn là lựa chọn hợp lý hơn”, một nguồn tin thân cận nói với DealStreetAsia.
Tính đến thời điểm tháng 8 năm ngoái, Loship cho biết startup này đã có hơn 70.000 đối tác tài xế và hơn 200.000 điểm bán hàng trên nền tảng của mình để phục vụ hơn 2 triệu khách hàng tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hoà.
Loship đặt mục tiêu trở thành startup Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship, chia sẻ với Nikkei trong một bài phỏng vấn vào tháng 8 năm ngoái.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Trung không ngần ngại chia sẻ sự lạc quan rằng startup của ông sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra bằng cách thực hiện xử lý các đơn hàng có biên lợi nhuận cao đồng thời học hỏi nhiều chiến lược thành công từ các công ty internet Trung Quốc.
Phần lớn hoạt động kinh doanh của Loship hiện tại đến từ dịch vụ giao đồ tươi sống và đồ ăn. Loship cũng giao hoa, thuộc và một số mặt hàng giá trị thấp nhưng biên lợi nhuận cao khác. Một chiếc lược tăng trưởng khác mà Loship cũng đang sử dụng học hỏi từ Trung Quốc là thêm các trò chơi vào ứng dụng của mình, tương tự như cách Pinduoduo đã triển khai trên sàn TMĐT của doanh nghiệp này.
Ông Trung so sánh tính năng này giống như một siêu thị, nơi khách hàng có thể ghé thăm mà không chủ định mua một thứ gì đó. Người dùng Lohsip có thể mở ứng dụng để chơi game nhưng sau đó lại quyết định thực hiện một giao dịch khác. “Điều gì xảy ra ở Trung Quốc sẽ xảy ra ở Việt Nam”, CEO Loship chia sẻ với Nikkei.