|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giao hàng tạp hóa trực tuyến Trung Quốc lay lắt khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn

07:21 | 17/08/2022
Chia sẻ
Trong hai năm đại dịch, các đơn vị giao hàng tạp hóa trực tuyến của Trung Quốc đã phát triển nhanh tới nỗi đã có tới hàng nghìn doanh nghiệp được mở mới chỉ trong cùng thời gian. Tuy nhiên, thời hoàng kim của các doanh nghiệp này dường như đã qua.

Sau khi mở rộng gấp 5 lần trong nhiều năm, thị trường giao hàng tạp hóa trực tuyến của Trung Quốc đang đứng ở ngã ba đường khi quốc gia này phải đối mặt với cuộc chiến về thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng cũng như tình trạng thiếu nhân công, theo Asia Nikkei.

Sự sụp đổ của Missfresh, công ty tiên phong trong lĩnh vực giao hàng tạp hóa trực tuyến, cho thấy thị trường này đã trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều. Trong tháng này, Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh đã yêu cầu Missfresh xử lý các khiếu nại một cách thích hợp và thông báo kế hoạch hoàn tiền cho khách hàng của mình. Missfresh, startup từng được định giá 3 tỷ USD, gần đây đã liên tục lao dốc vì không trả lại các khoản phí được tính thông qua ứng dụng của mình.

Các đơn vị như Missfresh chật vật sau đại dịch. (Ảnh: Asia Nikkei).

Được thành lập vào năm 2014, Missfresh nhanh chóng mở rộng bằng cách thiết lập một mạng lưới kho hàng rộng khắp Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độc giao hàng. Startup này đã được một số ông lớn rót vốn như Tencent Holdings kể từ năm 2015 và niêm yết cổ phiếu lưu ký của Mỹ trên Nasdaq vào năm 2021. Missfresh đã phục vụ tại 17 thành phố trên khắp Trung Quốc tính đến tháng 9/2021.

Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp này đã thất bại trong việc vạch ra con đường tăng trưởng lợi nhuận. Mặc dù doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 24% trong năm lên 5,5 tỷ nhân dân tệ (813 triệu USD), nhưng mức lỗ ròng của công ty đã tăng hơn gấp đôi lên 3,3 tỷ nhân dân tệ. Chi phí khuyến mãi, bao gồm giảm giá để thu hút khách hàng mới, tăng khoảng 80%.

Missfresh chưa bao giờ công bố kết quả kinh doanh cả năm của mình cho năm 2021. Tuy nhiên, cuối tháng 7, họ đã thông báo rằng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày, một trong những sự kiện quan trọng, khiến nhiều khách hàng đang nỗ lực tìm kiếm các khoản hoàn tiền.

Missfresh không phải đơn vị duy nhất gặp khó. Gã khổng lồ Meituan đã phân nhánh sang lĩnh vực giao hàng tạp hóa vào năm 2020, áp dụng mô hình mua theo nhóm, trong đó những người cùng một khu vực tạo thành một nhóm với nhau để đặt hàng số lượng lớn. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với việc giao hàng riêng lẻ.

Dù vậy, Meituan đã ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh lên tới 38,3 tỷ nhân dân tệ trong các hoạt động mới của mình vào năm 2021, bao gồm mua theo nhóm, qua đó xóa sạch khoản lãi ròng 20 tỷ nhân dân tệ mà công ty kiếm được từ hoạt động kinh doanh giao đồ ăn, mảng kinh doanh cốt lõi của gã khổng lồ này.

Nhu cầu giao hàng tạp hóa trực tuyến chỉ tăng ở Trung Quốc kể từ năm 2020 khi các nhà hàng đóng cửa và mọi người buộc phải ở nhà vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quy mô thị trường đã mở rộng 18% vào năm 2021 lên 311,7 tỷ nhân dân tệ, theo iiMedia Research.

Hàng loạt công ty khởi nghiệp và các nhà bán lẻ đã đổ xô vào lĩnh vực đang phát triển này. Theo cơ sở dữ liệu công ty QCC.com, có khoảng 1.000 đến 4.000 công ty tạp hóa trực tuyến mới được thành lập mỗi năm từ năm 2015 đến năm 2021. Tính đến đầu tháng 8, ước tính có khoảng 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng tăng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải giảm giá để giành thị phần, ngay cả khi chi phí nhân công tăng vọt do thiếu tài xế giao hàng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, khoảng 90% dịch vụ giao hàng tạp hóa trực tuyến đang hoạt động thua lỗ. Số lượng doanh nghiệp mới bắt đầu giảm vào năm ngoái.

Một số doanh nghiệp có khả năng bứt phá

Đơn vị Freshippo của Alibaba, được gọi là Hema trong tiếng Trung Quốc, đã nổi lên như một trong số ít những đơn vị chiến thắng trong lĩnh vực này. Các cửa hàng vật lý của chuỗi siêu thị đóng vai trò là trung tâm giao hàng và cho phép khách hàng kiểm tra chất lượng hàng tạp hóa trực tiếp. Nó cũng giúp tăng cường nhận diện thương hiệu.

Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 2016, Freshippo đã mở rộng mạng lưới chủ yếu ở các thành phố lớn. Đươn vị này có hơn 270 cửa hàng hoạt động tính đến cuối tháng Ba. Ngoài ra, Freshippo có 19,05 triệu người dùng ứng dụng, nhiều hơn khoảng 20% ​​so với doanh nghiệp đứng thứ hai, theo QCC.com.

Freshippo cũng đang nỗ lực để tăng cường chuỗi cung ứng của mình. Vào tháng 7, đơn vị đã ký một thỏa thuận mua các sản phẩm hữu cơ trị giá 300 triệu nhân dân tệ như rau bina và rau diếp từ một trang trại ở Vân Nam, báo chí địa phương đưa tin. Nó có kế hoạch hợp tác với 1.000 địa điểm như vậy vào năm 2025 để cung cấp các sản phẩm độc đáo và chất lượng cao.

Công ty vẫn chưa phát triển thành một nguồn doanh thu lớn cho Alibaba. Tuy nhiên, khách hàng đánh giá Freshippo rất cao. Một phụ nữ ở Quảng Châu cho biết: “Tôi tin tưởng khi nói đến độ tươi của hải sản của Freshippo”.

Quốc Anh