|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup công nghệ Việt Nam có bước nhảy thần kì

08:18 | 08/02/2020
Chia sẻ
Dù giá trị đầu tư vào startup công nghệ Đông Nam Á giảm trong năm 2019, Việt Nam kịp để lại những dấu ấn tăng trưởng đậm nét.

Đông Nam Á vẫn là một miền đất hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ trong năm 2019, dù tổng đầu tư vào khu vực đã giảm từ 12 tỉ USD của năm 2018 xuống còn 7,7 tỉ USD trong năm 2019, theo môt báo cáo của Cento Ventures.

Startup công nghệ Việt Nam đón bước nhảy thần kì trong năm 2019 - Ảnh 1.

Số lượng thương vụ đầu tư startup công nghệ Đông Nam Á tăng vọt trong năm 2019 song quy mô lại giảm xuống. (Nguồn: Báo cáo Southeast Asia Tech Investment Report 2019, Việt hoá: Thái Sơn)

Cụ thể, trong năm 2019, Đông Nam Á chứng kiến ít các "siêu thương vụ" hơn, song số lượng các thương vụ đầu tư nhỏ (quy mô dưới 50 triệu USD) lại tăng lên.

Tổng giá trị các thương vụ đầu tư nhỏ chạm mốc kỉ lục mới ở mức 2,4 tỉ USD, tăng lên từ 1,5 tỉ USD của năm 2018. Trong khi đó, tổng đầu tư vào các vòng lớn hơn (trên 50 triệu USD) lại chỉ cán mốc 5,3 tỉ USD, bằng hơn một nửa so với con số 10,5 tỉ USD ghi nhận một năm trước đó.

"Vì hoạt động đầu tư vào giai đoạn sớm của startup tăng lên (cả về số lượng và chất lượng), xu hướng giảm quy mô đầu tư trong năm 2019 nhiều khả năng đến từ việc ít nhà đầu tư hơn quan tâm đến các startup giai đoạn sau", Mark Suckling, một tác giả của báo cáo, nói với Kr-ASIA.

Dù vậy, vị chuyên gia tỏ ra lạc quan rằng dòng vốn sẽ tăng trở lại trong năm 2020 khi nhiều startup mới và triển vọng tiếp tục thực hiện gọi vốn các vòng sau cùng với đó là hoạt động gọi vốn của các startup "kì lân" sôi động trở lại.

Grab và Go-Jek, hai startup "siêu kì lân" trong khu vực, có nhiều khoản đầu tư quan trọng trong năm 2019 song "nhỏ hơn so với các vòng gọi vốn năm trước đó", báo cáo viết.

Đầu tư vào Grab trong năm 2018 và 2019 chạm mốc 5,1 tỉ USD, theo tính toán của Cento Ventures, trong kh đó con số của Go-Jek là 3,7 tỉ USD.

Cento Ventures nhắc đến một số khoản đầu tư vào Traveloka (420 triệu USD), VNPay (300 triệu USD), Scommerce (100 triệu USD), Ruanguru (150 triệu USD) và Advance.ai (80 triệu USD) trong danh sách những thương vụ đáng chú ý trong năm 2019 của Đông Nam Á.

Theo nhận định của Cento Ventures, các startup đa dịch vụ và mảng bán lẻ trực tuyến vẫn là hạng mục nhận nhiều đầu tư nhất, song dịch vụ tài chính, thanh toán và lữ hành cũng ngày càng hấp dẫn. Bên cạnh đó, logistics, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục dần trở thành mảng đầu tư được quan tâm.

Startup công nghệ Việt Nam đón bước nhảy thần kì trong năm 2019 - Ảnh 2.

Năm 2019 là lần đầu tiên startup công nghệ Việt vượt Singapore trong hoạt động gọi vốn. (Ảnh: Bloomberg)

Bên cạnh đó, Indonesia vẫn là quốc gia Đông Nam Á nhận nhiều đầu tư nhất, song tỉ trọng của nó đã giảm từ 76% của năm 2018 xuống còn 59% trong năm 2019.

Một điểm nhấn đáng chú ý là startup Việt Nam lần đầu tiên vượt Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư khi chiếm tỉ trọng 18% tổng đầu tư khu vực (741 triệu USD). Đây là bước nhảy thần kì của Việt Nam từ tỉ trọng 4% (287 triệu USD) một năm trước đó.

Dân số đông, tỉ lệ số hoá nhanh chóng cùng thực tế rằng nhiều ngành công nghiệp muốn tiếp cận công nghệ để đổi mới khiến Đông Nam Á trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Mặc dù dịch virus corona chủng mới có thể khiến đầu tư chững lại ở thời điểm hiện tại, Cento Ventures nhận định còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh cho dòng vốn chảy từ Trung Quốc về Đông Nam Á.

Thái Sơn