|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Xuất khẩu sẽ bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ Mỹ có thể yếu đi rõ rệt

07:17 | 03/08/2022
Chia sẻ
SSI cảnh báo tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt.

Kinh tế dự báo tăng trưởng 7%

SSI Research vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường nửa cuối năm 2022 và năm 2023, theo đó cho hay nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2022 là 7% (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) nhờ mức nền thấp của năm 2021.

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ đầu năm 2022 được ghi nhận bởi xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Google liên quan đến du lịch Việt Nam (trong nước và quốc tế) ngày càng tăng.

Do vậy, khối phân tích cho rằng nhu cầu đối với lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý III khi sẽ đây là mùa cao điểm du lịch. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa sẽ được thúc đẩy bởi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên với tốc độ có thể sẽ chậm lại từ quý IV, do chi phí sinh hoạt và giá năng lượng và hàng hóa tăng nhanh.

 

Đầu tư công sẽ là động lực chính cho 6 tháng cuối năm

Báo cáo nhấn mạnh đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023, trong đó việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên.

Trên thực tế, thông qua các văn bản pháp luật được công bố trong thời gian gần đây, Chính phủ đang đặt mục tiêu sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp cho các dự án nêu trên trước quý II/2023, phần còn lại bàn giao vào quý IV/2023. Hơn nữa, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Chính phủ cũng sẽ áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu, cũng như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, và những điều này thể hiện một quyết tâm chính trị rất lớn. 

Xuất khẩu và sản xuất sẽ bị ảnh hưởng

Ngoài ra, SSI còn nhận định hoạt động xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng bởi thách thức toàn cầu

Bước sang nửa cuối năm 2022, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại rõ rệt do một số nguyên nhân sau.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ lớn nhất và dài nhất trong lịch sử; thứ hai là giá hàng hóa toàn cầu duy trì ở mức cao so với cùng kỳ do nguồn cung năng lượng bị hạn chế.

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ sự gián đoạn nguồn cung năng lượng do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

 

Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào vùng suy thoái. Trên thực tế, khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, lạm phát đã tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Mỹ đã chứng kiến lạm phát tăng vọt lên 9,1% so với cùng kỳ vào tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 1981. Do đó, nhằm đối phó với lạm phát, NHTW Mỹ đã thực hiện tăng lãi suất liên tục và tính đến hiện tại, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng 225 điểm cơ bản so với cuối năm ngoài.

Nhận định những thách thức toàn cầu này sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào, SSI cho hay các lĩnh vực liên quan đến thương mại sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động, tuy nhiên khối phân tích dự báo các tác động vẫn còn hạn chế nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

"Chúng tôi tin rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì trong quý III khi tăng trưởng của các đơn hàng xuất khẩu mới vẫn được ghi nhận ở trong các khảo sát PMI gần đây. Tuy nhiên, tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt", SSI dự báo.

Các chuyên gia tại đây cũng nhấn mạnh nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên vẫn có khả năng sẽ giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên.

Lạm phát dự báo thấp hơn các nước khác

Về lạm phát, khối phân tích dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam vào khoảng 3,5% vào năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu 4% của Chính phủ và so với mức lạm phát được dự báo các quốc gia khác.

Tuy nhiên, lạm phát tại thời điểm cuối quý IV có thể sẽ tăng lên 5% so với cùng kỳ và thậm chí sẽ cao hơn trong quý I/2023 trước khi hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm 2023.

"Trên thực tế, mặc dù lạm phát tại Việt Nam đang tăng dần (dưới áp lực từ chi phí xăng dầu) nhưng với tốc độ chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác, phần nào nhờ vào nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào trong nước", báo cáo nêu.

Trong ngắn hạn, SSI tin rằng lạm phát toàn phần gia tăng chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao đẩy giá cả thực phẩm tăng lên theo. Trong khi đó, lạm phát do cầu kéo vẫn duy trì ở mức thấp.

Năm 2023, áp lực lạm phát còn đến từ việc điều chỉnh giá của các dịch vụ do Chính phủ quản lý (như giá điện, y tế và giáo dục) sau 2 năm bị trì hoãn. Mục tiêu lạm phát trung hạn được kỳ vọng vẫn giữ vững trong kỳ vọng của Chính phủ (4%) và không bị ảnh hưởng bởi những biến động giá trong ngắn hạn.

Báo cáo cũng cho biết với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 vẫn đang được duy trì, chính sách vĩ mô trong nửa cuối năm nay dự báo là sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng (khi gói kích thích sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023) và chính sách tiền tệ thận trọng hơn.

SSI cho rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn hướng đến hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng và các khoản vay tới các lĩnh vực rủi ro sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.

Trong nửa đầu năm 2022, NHNN đã chọn cách tiếp cận thận trọng và trì hoãn việc tăng lãi suất nhằm có thể hỗ trợ nền kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, với việc áp lực lạm phát đang gia tăng, NHNN có thể sẽ áp dụng các biện pháp linh hoạt để ổn định tỷ giá trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu 

Hồng Hà