'Fed tăng lãi suất, nguy cơ Việt Nam chưa kịp nới lỏng chính sách để phục hồi đã phải vội thắt chặt'
Ngày 27/7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ hai liên tiếp và là lần tăng thứ 4 trong năm nay. Sau tuyên bố tăng lãi suất ngày 27/7, mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ đã đạt 2,25-2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Không chỉ Mỹ, ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất chỉ trong một thời gian ngắn nhằm kiểm soát lạm phát cao kỷ lục trong vòng 3-4 thập kỷ trở lại đây. Các chuyên gia đánh giá, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính và nền kinh tế của Việt Nam.
Fed tăng lãi suất, xuất khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính đánh giá rằng, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ việc các nước phát triển thắt chặt tiền tệ trong đó có Mỹ.
Do đó, cần chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với xu hướng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022. Bởi lẽ, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất.
Mặc dù vậy, Việt Nam có lợi thế là hàng xuất khẩu vào Mỹ phần lớn là hàng hóa thiết yếu vì vậy người dân vẫn cần tiêu thụ ngay cả khi lạm phát ở Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, TS. Ánh khuyến nghị cần điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với bối cảnh lạm phát và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ là cần thiết, cấp bách.
Lo ngại dòng vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu đảo chiều
Lo ngại thứ hai mà TS. Vũ Đình Ánh đề cập đến là việc Fed tăng lãi suất có thể khiến cho dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng chậm lại.
Dù vậy, chuyên gia lưu ý quốc gia đầu tư FDI chủ yếu vào Việt Nam là: Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore chứ không phải Mỹ hay châu Âu nên sẽ làm giảm tác động của yếu tố này.
Một điểm cần chú ý là việc Fed và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Trong khi Việt Nam đang hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế nhân cơ hội lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt.
"Việc các quốc gia tăng lãi suất có thể làm cho cơ hội giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát ở mức thấp của Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể, đặc biệt là khả năng nhập khẩu lạm phát đang tăng trở lại bên cạnh lạm phát do cầu kéo cũng có dấu hiệu quay lại", TS. Vũ Đình Ánh đánh giá.
Vì vậy, Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong tam giác bất khả thi giữa dòng vốn nước ngoài với lãi suất và tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế lệch pha mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất.
Fed nâng lãi suất khiến cho USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. TS. Ánh cảnh báo rằng, nếu USD lên giá so với VND ngay trong năm 2022 thì Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế thì đã phải thắt chặt do nguy cơ lạm phát cao.
Việt Nam nên cân nhắc tăng lãi suất
Còn theo chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây bất lợi tới xuất khẩu và thị trường tài chính Việt Nam dù điều này có độ trễ.
Với xuất khẩu, đồng quan điểm với TS. Vũ Đình Ánh, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu của người Mỹ với hàng hoá nước ngoài trong đó có Việt Nam.
Với thị trường chứng khoán, nhiều khả năng Dow Jones sẽ tăng nóng trong một vài ngày rồi giảm điểm khi dòng tiền tìm đến với những kênh đầu tư hiệu quả hơn. Xu hướng tăng/giảm của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với thị trường hối đoái, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết khá tốt về tỷ giá song việc USD tiếp tục tăng giá sẽ khiến VNĐ neo theo, gây bất lợi với nhập khẩu, kéo theo nhập khẩu lạm phát. Đặc biệt, việc Fed tăng lãi suất mà lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp sẽ khiến một phần dòng tiền rút khỏi Việt Nam hướng tới Mỹ và châu Âu.
Vị chuyên gia này phân tích Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc khả năng tăng lãi suất dù điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và bất động sản nhưng sẽ lấy đi "bong bóng" từ các thị trường này, tạo sự ổn định.