SSI Research: Mức tăng trưởng 15% của xuất khẩu tôm là khó khả thi trong năm 2021
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%.
Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng, tăng 15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD, tiếp theo là cá tra tăng 5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD và các sản phẩm thủy sản khác tăng 6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung Ấn Độ sau COVID-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.
"Các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn chỉ 3-4 tháng và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021", SSI Research nhận định.
Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm.
Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.
Đối với cá tra, ước tính sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.
Cũng theo SSI năm 2020, nhu cầu trên thế giới giảm đáng kể đối với các sản phẩm thủy sản, khiến giá rơi xuống các mức thấp mới.
Giá tôm nguyên liệu trong nước chạm mức đáy 82.500 đồng/kg trong tháng 10, giảm 12% so với cùng kỳ và giảm 14% so với đầu năm trong khi giá cá nguyên liệu trong nước giảm xuống còn 17.750 đồng/kg, giảm 14% so với cùng kỳ và giảm 10% so với đầu năm.
Đáng lưu ý là sự sụt giảm này xảy ra ngay cả trên mức nền thấp của năm trước. Bất chấp nhu cầu giảm, các công ty xuất khẩu tôm vẫn tìm thấy cơ hội từ sự suy yếu nguồn cung toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu về sản lượng.
Theo Rabobank, sản lượng tôm của Ấn Độ ước tính giảm từ 10 -15% so với cùng kỳ trong năm 2020, tạo cơ hội cho các quốc gia khác tận dụng gia tăng xuất khẩu.
Mặt khác, nhu cầu cá tra xuất khẩu sụt giảm mạnh do các đợt giãn cách xã hội trong khu vực được thực hiện ở tất cả các thị trường xuất khẩu cá tra chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu mà còn ảnh hưởng ở cả thị trường Mỹ và EU (thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam).
VASEP ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,6 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,4% và giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 24% so với năm 2019.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/