SSI Research: Lợi nhuận ACB năm 2020 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 28%
Theo số liệu của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2020 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 28% so với 2019 và vượt 24% kế hoạch cổ đông giao. Tổng thu nhập đạt 17.700 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm 2020 ở mức 15,7%. Trong đó, cho vay tiêu dùng tăng 19%, cho vay SME tăng 15,4%.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 0,1 điểm % do hệ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) cao hơn và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ 19,1% lên 22,4% vào quý III/2020.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cải thiện từ 51,6% xuống 41,9%, là động lực tăng trưởng lợi nhuận, được hỗ trợ bởi mức giảm của chi phí quản lý (-13% so với cùng kỳ) và các khoản chi về tài sản (-6% so với cùng kỳ).
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lần lượt giảm từ 0,28% và 0,83% vào quý III/2020 xuống 0,2% và 0,59% vào cuối năm. Theo giá trị tuyệt đối, nợ xấu ở mức 1.800 tỷ đồng, giảm 26% so với quý III/2020. Chi phí dự phòng tăng 129% trong quý IV/2020, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 118% lên 150%.
SSI Research cho biết giá trị khoản cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 01 của ACB là khoảng 9.000 tỷ đồng, bao gồm 600 tỷ đồng đến hạn vào năm 2021. Theo ACB, trường hợp xấu nhất, toàn bộ 9.000 tỷ đồng sẽ được xếp vào nhóm 5. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 01, các khoản trích lập dự phòng từ nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong ba năm (từ năm 2021 đến năm 2023).
Trong báo cáo, SSI Research cũng đề cập tới việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp hạn mức tín dụng cho ACB là 3,5% trong quý I. Trần tín dụng cho các ngân hàng sẽ được công bố vào cuối tháng 4, do NHNN cần thêm thời gian để đánh giá các tổ chức tín dụng và tác động của Covid-19 và triển vọng của vắc-xin.