|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

S&P Global: Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030

23:55 | 25/10/2023
Chia sẻ
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Intelligence dự đoán đến năm 2030 Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vượt qua Đức và Nhật Bản, nhờ sức mạnh từ đặc điểm nhân khẩu học trẻ trung và thu nhập hộ gia đình ở khu vực thành thị tăng nhanh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Shutterstock).

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Intelligence dự đoán đến năm 2030 Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vượt qua Đức và Nhật Bản, nhờ sức mạnh từ đặc điểm nhân khẩu học trẻ trung và thu nhập hộ gia đình ở khu vực thành thị tăng nhanh.

Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Trung Quốc. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

S&P Global Market Intelligence dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Ấn Độ tính theo đồng USD sẽ tăng từ 3.500 tỷ USD năm 2022 lên 7.300 tỷ USD vào năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ này sẽ giúp GDP của Ấn Độ vượt Nhật Bản vào năm 2030, qua đó đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2030, GDP của Ấn Độ được dự đoán cũng sẽ vượt Đức.

Dù S&P Global Market Intelligence không nói cụ thể Ấn Độ sẽ trở thành “nền kinh tế lớn thứ ba thế giới”, nhưng điều này gần như rõ ràng khi S&P chỉ ra rằng năm 2022, GDP của Ấn Độ đã vượt Anh và Pháp, có nghĩa là Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới nào năm 2022.

Dù nhiều tổ chức đã dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong tương lai gần, nhưng vẫn chưa có dự đoán đồng thuận về thời điểm điều này diễn ra.

Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Ấn Độ sẽ vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước năm 2030, có thể là vào năm 2027.

Theo IMF, ở thời điểm đó, GDP của  Ấn Độ sẽ đạt 5.430 tỷ USD, cao hơn mức 5.330 tỷ USD của Đức. Nhật Bản sẽ đứng năm với GDP đạt 4.570 tỷ USD. Cơ quan này cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026, với GDP của hai nước lần lượt ở mức 4.950 tỷ USD và 4.710 tỷ USD.

Khác với IMF, S&P Global Market Intelligence cho rằng kinh tế Nhật Bản lớn ở Đức ở thời điểm hiện tại, cũng như vào năm 2030.

Trước đó trong năm nay, Thủ tướng Narendra Modi tự tin rằng Ấn Độ sẽ vào top ba nền kinh tế lớn nhất thế giới “trong nhiệm kỳ thứ ba” của ông.

Khánh Ly