|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

S&P 500 tăng liền 5 phiên sau hai báo cáo CPI, PPI thấp hơn dự kiến

06:46 | 15/08/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận thêm một phiên giao dịch tích cực sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 được công bố.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 14/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 242 điểm, tương đương 0,61% và đóng cửa ở mức 40.008 điểm.

Chỉ số S&P 500 nhích thêm 0,38% và chốt phiên với 5.455 điểm, đánh dấu ngày tăng thứ 5 liên tiếp. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 0,03% lên 17.193 điểm. 

 

Hiện cả ba chỉ số chính đều cao hơn mức chốt phiên ngày 2/8, phiên giao dịch trước đợt bán tháo trên phạm vi toàn cầu hôm 5/8. 

“Mặc dù rủi ro về tăng trưởng đã tăng lên, chúng tôi tin rằng thị trường đã phản ứng thái quá với một số dữ liệu yếu chứ không phải sự thay đổi trong triển vọng vĩ mô”, ông Gargi Chaudhuri, chiến lược gia trưởng về đầu tư và danh mục đầu tư tại BlackRock, cho biết.

S&P 500 đã phục hồi liên tiếp trong 5 phiên. 

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với kết quả 3% trong tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với tháng liền trước, CPI nhích thêm 0,2%.

Các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò dự đoán mức tăng 0,2% so với tháng liền trước và 3% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và 3,2% so với cùng kỳ, phù hợp dự báo.

CPI tháng 7/2024 là thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Hôm 13/8, một báo cáo khác của Bộ Lao động cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và 2,2% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư đã chờ đợi báo cáo PPI và CPI để có được bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Mỹ và thêm tự tin vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9. 

Ông Chris Larkin, Giám đốc phụ trách giao dịch và đầu tư của E-Trade, nhận định rằng CPI có thể không hạ nhiệt nhiều như PPI, nhưng kết quả như dự kiến này sẽ không tạo ra bất ổn. “Câu hỏi quan trọng giờ đây là Fed sẽ giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng tới”, ông nói. 

Theo công cụ FedWatch của CMEGroup, thị trường tương lai đang đặt kỳ vọng cao hơn (63%) vào khả năng Fed giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp tháng 9. Trước khi báo cáo CPI công bố, xác suất hạ lãi suất 50 bps nhỉnh hơn khoảng vài điểm %. Đến cuối năm 2024, thị trường cho rằng Fed sẽ giảm 100 bps.

“Nếu hầu hết dữ liệu trong 5 tuần tới chỉ ra nền kinh tế đang chậm lại, Fed có thể mạnh tay hơn”, ông Larkin nói.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu của Kellanova tăng hơn 7,8% sau tin tức công ty sẽ được nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Mars mua lại trong một thỏa thuận trị giá 36 tỷ USD. Cổ phiếu của Alphabet (Google) giảm 2,3% sau tin Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc việc chia nhỏ gã khổng lồ công nghệ này.

 

Minh Quang

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.