|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

JPMorgan, Goldman Sachs: Thị trường đang phát tín hiệu rõ rệt hơn về nguy cơ suy thoái

14:20 | 14/08/2024
Chia sẻ
Thị trường lãi suất phản ánh xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới là 92%, cao hơn hẳn tín hiệu từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế vẫn dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm.

Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters). 

Tín hiệu đáng chú ý

Theo mô hình từ hai ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase, thị trường tài chính đang ngày càng tin vào nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ. Kết luận này được rút ra dựa trên tín hiệu từ thị trường trái phiếu và diễn biến của các cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh.

Goldman Sachs cho biết thị trường trái phiếu và cổ phiếu đang dự đoán có 41% khả năng Mỹ suy thoái, cao hơn hẳn con số 29% trong tháng 4.

Xác suất suy thoái tăng lên khi nhà đầu tư đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn dự kiến và các cổ phiếu nhạy cảm với sự lên xuống của chu kỳ kinh doanh tụt hậu so với thị trường chung.

Mô hình tương tự của JPMorgan tính toán nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ vào khoảng 31%, tăng vọt so với mức 20% kể từ cuối tháng 3, chủ yếu bởi sự thay đổi rõ rệt của giá trái phiếu kho bạc Mỹ.

Theo chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou, rủi ro suy thoái trong mô hình của JPMorgan phản ánh quy mô của các đợt hạ lãi suất đã được phản ánh vào giá tài sản kể từ khi tốc độ tăng trưởng việc làm chững lại rõ rệt vào tháng 7.

Ông cho biết thêm thị trường chứng khoán chỉ phản ánh xác suất Mỹ gặp suy thoái vào khoảng 20%, tuy vẫn cao hơn mức 0% khi cổ phiếu liên tục lập đỉnh hồi đầu năm nay. 

 

Xác suất 92%

Theo tờ Bloomberg, báo cáo việc làm tháng 7 làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có nguy cơ xuống dốc vì Fed đã chờ quá lâu để hạ lãi suất. Tuy báo cáo cho thấy hoạt động tuyển dụng đã chậm lại, số việc làm mới được tạo ra trong tháng vẫn trên 100.000.

Nhiều thước đo khác về sức khỏe của nền kinh tế cũng không báo hiệu suy thoái sắp đến. Ví dụ, sự lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong hơn hai năm.

Thêm nữa, dự báo của các nhà kinh tế về nguy cơ suy thoái cũng chưa tăng đáng kể. Ước tính đồng thuận của các chuyên gia là nguy cơ suy thoái của Mỹ nằm ở mức 30%, thấp hơn đáng kể con số đưa ra năm 2023 là 70%.

JPMorgan tính toán các số liệu trên bằng cách so sánh mức giá cao nhất trong giai đoạn trước suy thoái của nhiều loại tài sản và đáy khi nền kinh tế sụt giảm.

Chỉ số S&P 500 đã mất hơn 4% kể từ đỉnh thiết lập giữa tháng 7, còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 thì thấp hơn 8% so với mức cao kỷ lục.

Thị trường lãi suất thì phản ánh nguy cơ suy thoái cao hơn mô hình của Goldman Sachs và JPMorgan. Mức biến động dự kiến trong 12 tháng tiếp theo của lãi suất chính sách báo hiệu xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong một năm tới là 92%.

Trong khi đó, các động thái của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm cho thấy có 58% khả năng nền kinh tế giảm tốc, theo JPMorgan.

Ông Christian Mueller-Glissmann, trưởng bộ phận nghiên cứu phân bổ tài sản tại Goldman Sachs, cho biết bất chấp các kết quả từ mô hình thị trường, các nhà kinh tế của ngân hàng này vẫn dự đoán Mỹ có khả năng suy thoái “tương đối thấp” là 25%.

Giang

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.