|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế toàn cầu sắp gặp rắc rối, bằng chứng là đây?

09:02 | 13/08/2024
Chia sẻ
Giá nhiều loại hàng hóa đã đi xuống trong tháng qua, báo hiệu sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi khỏi nỗi lo suy thoái.

Kỳ vọng về siêu chu kỳ của đồng đã chấm dứt. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Giảm trên diện rộng

Thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại gần hết mọi mất mát từ cuộc bán tháo nặng nề đầu tuần trước, khi dữ liệu việc làm và sản xuất yếu hơn dự báo khiến nhà đầu tư lo sợ.

Tờ CNBC cho biết các nhà đầu tư đang cố vượt qua nỗi sợ suy thoái, một số chuyên gia cũng lên tiếng trấn an rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc.

Song, thị trường hàng hóa có thể đang phát đi tín hiệu khác về nền kinh tế thế giới. Giá chứng chỉ quỹ đầu tư vào các kim loại cơ bản Invesco DB Base Metals Fund đã sụt hơn 7% trong vòng một tháng, còn giá dầu giao sau cũng giảm 14% trong giai đoạn ngày 5/7 đến 5/8.

Ông Rob Ginsberg, Giám đốc điều hành tại Wolfe Research, viết trong lưu ý gửi khách hàng ngày 9/8: “Giá mọi loại hàng hóa đều đang gặp áp lực. Bạn khó có thể tìm thấy loại hàng hóa nào có điều kiện thuận lợi, ngoại trừ vàng. Chúng tôi coi sự sụt giảm của giá hàng hóa trên diện rộng là dấu hiệu cảnh báo về tình hình kinh tế”.

 

Giá đồng được coi là chỉ báo của nền kinh tế, theo ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại TD Securities.

Giá đồng tăng mạnh vào đầu năm nay dựa trên kỳ vọng siêu chu kỳ mới sắp bắt đầu, vì kim loại này đang đóng vai trò quan trọng trong các ngành tăng trưởng như xe điện, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo. Nhiều nhà đầu tư dự đoán nhu cầu dành cho đồng sẽ vượt quá cung và do đó giá sẽ lên cao.

Tuy nhiên, giá đồng giao sau đã rớt 21,4% kể từ mức đỉnh của năm 2024 là 5,19 USD/pound xuống khoảng 4,09 USD/pound vào sáng ngày 12/8 theo giờ Mỹ.

Ông Melek nói với CNBC: “Kỳ vọng lớn lao của nhà đầu tư về siêu chu kỳ, về kỷ nguyên của xe cộ chạy bằng pin đã bốc hơi nhanh chóng. Giờ đây, không ai còn nhắc đến kịch bản này nữa”.

Lực cản từ Trung Quốc

Ông Melek cho biết đồng và dầu thô là hai loại hàng hóa chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ sự sa sút của nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu sản xuất toàn cầu cũng không thực sự ấn tượng. Do đó, có thể đồng và dầu mỏ đang đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung thay vì thiếu hụt như một số nhà phân tích đã dự đoán.

Vị chuyên gia nói thêm: “Trung Quốc đã không thực hiện các chính sách tài khóa quy mô lớn như kỳ vọng. Trước đây rất nhiều nhà đầu tư cược rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tung ra biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế”.

 

Hiện tại giá dầu thô đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng nhu cầu yếu của Trung Quốc đã đè nặng lên thị trường trong suốt nhiều tháng.

Hôm 12/8, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu khoảng 135.000 thùng/ngày. Nguyên nhân chính là kỳ vọng của OPEC đối với nhu cầu của Trung Quốc đã giảm sút.

Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Mỹ cũng hướng đến chủ nghĩa bảo hộ, tăng thuế quan lên một loạt hàng hóa Trung Quốc, từ xe điện, pin cho đến mô-đun năng lượng mặt trời.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo kế hoạch tăng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc trong tháng 7. Bắc Kinh phản ứng bằng cách khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Quốc tế vào ngày 9/8.

Ông Melek bình luận: “Khi chính phủ áp đặt thuế quan thì giá cả trở nên đắt đỏ hơn và người mua sẽ mua được ít lượng hàng hóa hơn trước”.

Thị trường đang chờ đợi chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 14/8, và phát biểu của các quan chức ngân hàng trung ương tại hội nghị thường niên Jackson Hole vào tuần tới.

Ông Melek cho biết thị trường dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và đã phản ánh đợt giảm này vào giá. Do đó có thể thị trường sẽ không thấy phấn khích khi Fed thực sự hành động.

TD Securites dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps). Ông Melek nhận định có khả năng Fed sẽ thấy lạc quan và giảm 50 bps nếu lạm phát tháng 7 hạ nhiệt rõ rệt.

Giang

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.