Sốt đất nền TP HCM: Đất tăng giá 70%, cò mồi trúng tiền tỷ
Theo khảo sát của Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền TP HCM xảy ra ở các quận ven và một số huyện như: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.
Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%.
Giá đất nền nhiều khu vực ở TP.HCM tăng mạnh. |
Đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10-12 triệu đồng/m2.
Đối tượng là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014; hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở các quận ven và các huyện ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật. Giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi cũng tăng đến trên dưới 50% trong 4 tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2.
Cò đất tạo sóng
Giải mã cơn sốt đất nền, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết, do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố.
Những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP.HCM, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền lên cao.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP.HCM, nhất là khu vực các huyện ngoại thành, cũng bị lợi dụng để thổi giá đất nền.
Thủ đoạn của cò đất là tung tin hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Từ các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng,... cò đất đã trục lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.
Nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng "theo tâm lý đám đông" có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt.
Rõ ràng, hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền hiện nay cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản; cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền và để bảo vệ người tiêu dùng.
Để hạ nhiệt "sốt giá ảo" này, Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị lãnh đạo thành phố công bố rõ hiện chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận, hoặc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu đông, khu nam, khu tây TP.HCM.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý của giới đầu nậu. Cò đất hiện hoạt động với tư cách cá nhân, không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản, với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế.