Sóng ngầm vay ngang hàng
Ảnh: Quý Hòa
Thật ngạc nhiên nếu biết rằng dư nợ một nền tảng cho vay đã lên đến gần bằng dư nợ của một ngân hàng thương mại có quy mô tầm trung.
Đó là Tima với lượng vốn giải ngân lên đến 79.250 tỉ đồng, gần 40.000 người tham gia cho vay, gần 3,9 triệu người đăng ký vay, tổng số đơn vay trong hệ thống là 6,4 triệu, theo số liệu công bố của nền tảng này.
Nở rộ cho vay trực tuyến
Tự định danh là sàn tài chính kết nối, Tima nhận được nhiều vốn đầu tư dù không công khai con số. Tuy nhiên, Tima không phải là điểm đến duy nhất với những người có nhu cầu vay tiền mà không thể gõ cửa ngân hàng.
Cùng giai đoạn thành lập của Tima vào năm 2015-2016 còn có rất nhiều nền tảng trung gian khác cũng xuất hiện như: Vay Mượn cung cấp các khoản vay ngắn hạn từ 1-10 triệu đồng; Mofin gọi vốn cộng đồng cung cấp các khoản vay tiêu dùng (bao gồm cho vay sinh viên, cho vay thế chấp và cho vay mua xe); Huydong cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Lendbiz là nền tảng gọi vốn cho các khoản vay doanh nghiệp siêu nhỏ; Trust Circle cũng thử nghiệm mô hình tiết kiệm cộng đồng, hay còn gọi là “chơi hụi” trực tuyến...
Trong giai đoạn này, cũng có hàng loạt nền tảng khác ra mắt như Interloan tập trung cho vay ứng lương thông qua doanh nghiệp.
Theo đó, nhân viên các doanh nghiệp đối tác có thể đăng ký vay với lãi suất tối đa 19%, còn Interloan đứng giữa thu phí kết nối thành công giữa những người bỏ vốn vào nền tảng và lao động doanh nghiệp đối tác.
Hãy hình dung một mô hình cho vay ngang hàng sẽ hoạt động theo kiểu này. Một người lên website (hoặc ứng dụng) đăng ký vay vốn, sàn giao dịch trung gian sẽ xác định mức độ rủi ro của người vay, đưa ra mức lãi suất và niêm yết lên “chợ” để các nhà đầu tư lựa.
Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển đến tài khoản người vay, còn sàn giao dịch thì lấy phí. Nhìn rộng hơn, cho vay ngang hàng về bản chất thuộc nhóm mô hình gọi vốn cộng đồng, tức huy động vốn từ xã hội để cung cấp cho doanh nghiệp, hoặc cá nhân có nhu cầu.
Hai loại đối tượng là công ty (như cho vay kinh doanh, mua tài sản, các khoản phải thu, nông nghiệp), hoặc cá nhân (tiêu dùng, mua ô tô, mua nhà, cầm đồ) có đặc điểm chung thường là nhóm tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn.
Hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam được nhắc đến nhiều ở khía cạnh vay cá nhân là chủ yếu, vì tốc độ mở rộng quá nhanh, hồ sơ duyệt dễ với khoản vay có quy mô nhỏ nên dễ giải ngân.
Mô hình cho vay ngang hàng không mới, thế giới đã thực hành từ những năm 2005. Theo ông Bradley C. Lalonde, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý quỹ Vietnam Partners, mô hình này mang lại ưu điểm cho nhà đầu tư lẫn người vay vì không phải thông qua một trung gian tài chính như ngân hàng.
Các khoản vay được xử lý nhanh hơn, duyệt dễ hơn, điều khoản vay được minh bạch. Mức lãi suất sẽ thấp hơn lãi suất truyền thống nhờ cắt giảm chi phí trung gian, nhưng vẫn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư so với các hình thức như gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.
Một báo cáo cho thấy quy mô giá trị các khoản vay năm 2019 ước đạt 181 tỉ USD, tăng 27,5% so với năm ngoái, với 37 triệu khoản vay.
Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn năm 2017-2023 của giá trị các khoản vay là 17,8% và 8,2% với số khoản vay. Trong số này, Trung Quốc dẫn đầu thế giới với quy mô gần 165 tỉ USD, trong khi quốc gia xếp thứ 2 là Mỹ chỉ có quy mô khoảng 8,5 tỉ USD.
Tại thị trường Đông Nam Á, tốc độ CAGR trong lĩnh vực cho vay ngang hàng ước khoảng 51,5% đến năm 2022, theo Allied Market Research.
Một báo cáo về fintech của Ernst & Young cho biết trong khu vực thì Indonesia, Malaysia, Singapore đã có quy định rõ ràng về cho vay ngang hàng, Thái Lan đã ban hành một văn bản, còn Philippines và Việt Nam đang trong giai đoạn bắt đầu.
Tại Việt Nam, con số thống kê gần đây là có đến 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số từ Indonesia và Singapore.
Trong khi đó, theo thông tin của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech, sở hữu nền tảng Vay Mượn, nhận định rằng có từ 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã sang Việt Nam, sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này.
Cho đến nay chưa có thống kê nào về quy mô cho vay ngang hàng tại Việt Nam, chỉ có những con số thống kê chính thức như dư nợ tiêu dùng chiếm khoảng 19,7% tổng dư nợ trong năm 2018, tức quanh mức khoảng 63 tỉ USD (con số này bao gồm cả tín dụng từ ngân hàng), vẫn thấp hơn so với mức 40-50% ở nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, động lực thúc đẩy cho vay ngang hàng nói riêng và cho vay trực tuyến nói chung là tỉ lệ sử dụng internet và smartphone của người Việt, đi cùng nhu cầu tiêu dùng cao.
“Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm nhiều công ty tham gia, vấn đề là quản lý làm sao cho hiệu quả”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực bình luận.
Trên thực tế, thị trường cho vay trực tuyến hấp dẫn đến nỗi các nhà cho vay chính thức cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chẳng hạn, đầu năm nay, FE Credit, công ty tài chính dẫn đầu phân khúc cho vay tiền mặt, đã tung ra ứng dụng $NAP với tính năng vay tự động, thời gian phê duyệt nhanh.
Trong khi đó, các mô hình cho vay khác cũng nở rộ như F88, chuỗi tiệm cầm đồ nhận vốn đầu tư từ Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, mới đây công bố huy động thành công 100 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, bổ sung vào nguồn vốn cho vay.
Rủi ro và Tương lai
Rủi ro lớn nhất của mô hình P2P hiện nay vẫn là vấn đề pháp lý chưa được công nhận, nhưng nhiều nền tảng thử nghiệm xuất hiện vì tiềm năng hấp dẫn. Các nền tảng công khai hơn thì tìm cách lách luật, hoặc tập trung vào các phân khúc ngách cụ thể, hoặc đơn giản hơn là trở thành một kênh phân phối cho một tổ chức nào đó.
“Hiện nay, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật chưa có giao cho cơ quan chức năng nào quản lý”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.
Các chuyên gia trong ngành cũng chia sẻ rằng nhiều ứng dụng núp bóng dưới danh nghĩa cho vay ngang hàng cũng không ít. Người cho vay và đi vay thoải mái tạo tài khoản đăng tin trên các ứng dụng, trong khi với mô hình cho vay ngang hàng đúng nghĩa thì các bước xét duyệt rất gắt gao với cả 2 đối tượng và cũng không có ai kiểm soát được các giao dịch nếu có.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo hoạt động cho vay ngang hàng nhiều lần trong thời gian gần đây. Với giới quản lý, cho vay ngang hàng là một kênh tiếp cận tài chính góp phần đẩy lùi tín dụng đen, vốn là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam.
Dù vậy, hoạt động huy động lẫn cho vay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng.
Tuy nhiên, những cuộc họp của giới chức quản lý về hoạt động cho vay ngang hàng gần đây đều có những tín hiệu tốt đối với hoạt động này.
Theo đó, Chính phủ sẽ sớm hình thành khung pháp lý cụ thể. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để sớm đưa ra phương án thí điểm, đưa hoạt động này trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dù vậy, trong lúc chờ khung pháp lý chính thức, các nền tảng cho vay ngang hàng ở Việt Nam vẫn có những bài toán khó giải. Một trong những điểm mấu chốt của mô hình cho vay ngang hàng là hệ thống đánh giá rủi ro.
“Bên cạnh chuyện pháp lý thì dữ liệu, truy cập, đánh giá điểm tín dụng là những rào cản ở các thị trường sơ khai như Việt Nam”, nguyên sáng lập viên của HuyDong cho biết.
Với những khoản vay cá nhân, đánh giá xếp hạng tín nhiệm lại càng khó khăn hơn vì thiếu thông tin. Điểm xếp hạng này sẽ quyết định lãi suất của khoản vay, là thông số cơ bản để nhà đầu tư quyết định rót tiền.
Cho vay ngang hàng bắt nguồn từ London rồi sang Mỹ, đều là những thủ phủ tài chính thế giới. Mô hình P2P vì thế hoạt động dựa trên nền tảng pháp lý đã hình thành cùng dữ liệu sẵn có (cả dữ liệu công và tư).
Một số nền tảng đưa mô hình chấm điểm tín dụng từ các quốc gia khác áp vào Việt Nam rồi điều chỉnh vài thông số, cũng có một số công ty khởi nghiệp Việt Nam tìm cách xếp hạng tín nhiệm thông qua nhiều chỉ số khác nhau, trong đó có cả đo lường mạng xã hội.
Dù vậy, ngay cả ở Mỹ vẫn có những nghi ngờ về tính chính xác của hệ thống tính điểm, trong khi với lịch sử hoạt động ngắn ngủi của các hệ thống cho vay thì Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điểm mấu chốt quan trọng không kém trong hoạt động cho vay là xử lý nợ. Việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản và khó khăn, ngay cả với các tổ chức tín dụng chính thức. V
ới các sàn giao dịch trung gian lại càng khó khăn hơn, vì các giao kèo là giữa hai cá nhân, sàn giao dịch nếu có chỉ đóng vai trò hỗ trợ đòi nợ, như khởi kiện ra tòa chẳng hạn. Một vấn đề khác là dòng vốn, nguồn tiền tài trợ cho các nền tảng cũng là yếu tố cần xem xét.
Ai sẽ tin tưởng bỏ tiền vào mô hình này để cho vay lấy lãi? Ai sẵn sàng đưa tiền cho người mà mình chưa gặp bao giờ? Hoạt động cho vay ngang hàng cũng dễ dẫn đến những hệ lụy riêng nếu chủ sàn giao dịch sử dụng những thủ thuật nào đó. Bởi vì, thực tế những gì mà chúng ta thấy trên sàn giao dịch chỉ đơn thuần là những con số.
Sàn giao dịch cũng có thể tạo ra những đơn hàng ảo để hút tiền nhà đầu tư, từ đó hình thành mô hình đa cấp. Ezubao, một trong những công ty P2P lớn nhất tại Trung Quốc là ví dụ điển hình cho hoạt động P2P đa cấp với sự tham gia của hơn 900.000 nhà đầu tư, huy động được 9,14 tỉ USD.
Trên thế giới, để giải bài toán này, nhiều nền tảng phải nhận thêm tài trợ từ các nhà đầu tư tổ chức chứ không phải cá nhân.
Chẳng hạn, Lufax, một trong những công ty P2P lớn nhất Trung Quốc, hút tiền từ các nhà bán lẻ, cho doanh nghiệp nhỏ và cá nhân vay lại. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 5% công ty P2P được tài trợ bởi các tổ chức, so với con số 70% tại Mỹ vào năm 2016.
Giải quyết được những câu chuyện trên, hoạt động cho vay ngang hàng mới có cơ hội cất cánh, còn nếu không thì vẫn chỉ là lời nói quảng cáo suông, hoặc phải đi vào thị trường ngách.
Ở trường hợp Interloan, việc chỉ cho các đối tượng trong danh sách công ty đối tác vay sẽ giúp nền tảng này kiểm tra nhanh và chính xác thông tin của người vay, giúp giảm thiểu rủi ro. Dù vậy, bản thân Interloan đều hiểu rõ, nếu không nhanh chóng mở rộng quy mô thì gần như bị loại khỏi cuộc chơi của fintech.
Theo ông Bradley, Vietnam Partners, vấn đề nằm ở chỗ xã hội thiếu niềm tin vào các nền tảng cho vay ngang hàng, mà yếu tố niềm tin thì không thể xây dựng trong một sớm một chiều.
Giống như hình thức “chơi hụi” phổ biến tại Việt Nam, mọi người góp tiền dựa vào sự tin tưởng chủ hụi. Dù vậy, hoạt động huy động vốn cộng đồng này cũng thường xuyên vỡ nợ, quy mô có khi lên đến cả trăm tỉ đồng.
Một điều đáng lo ngại với thị trường Việt Nam hiện nay là dòng tiền đột ngột đổ vào nền tảng P2P có thể đẩy các công ty tốt ra quyết định cho vay tồi. Minh chứng rõ ràng nhất là bài học từ Trung Quốc.
Theo đó, tại thị trường tỉ dân này, tín dụng mảng P2P tăng 10 lần trong 2 năm 2016-2017 còn lãi suất trung bình giảm từ 20% xuống còn 12%. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2016, cho vay P2P mới cao tới 39,5% tổng số khoản vay ngân hàng mới. Khi đó có 6.600 nền tảng cho vay, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại khoảng 300, theo WDZJ Research.
“Nếu dòng tiền vào các công ty P2P chậm lại, lãi suất cho vay sẽ không phải là điều duy nhất tăng vọt, tỉ lệ của các ông chủ bỏ trốn cũng vậy”, tờ The Economist nhận định.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có nhiều quy định và kiểu hoạt động khác nhau với mô hình P2P ở nhiều quốc gia, nhưng một điểm chung rằng sự phát triển tự do không kiểm soát sẽ khiến các công ty P2P biến tướng, gây hệ lụy xấu trong xã hội.
Sau những bê bối vỡ nợ, Trung Quốc sau này bắt đầu giới hạn quy mô cho vay, yêu cầu người cho vay phải hợp tác với các định chế tài chính để giám sát.
Dẫu vậy, một kịch bản lạc quan hơn là các công ty fintech cho vay nói chung được quản lý tốt sẽ mang lại sự cạnh tranh cần thiết cho thị trường, cung cấp tín dụng cho phân khúc mà ngân hàng bỏ qua.