|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sóng hạ tầng nghìn tỷ khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh

10:25 | 19/10/2021
Chia sẻ
Khu Đông Hà Nội gần đây luôn được ví như "thỏi nam châm" thu hút không ít vốn đầu tư với hàng chục nghìn tỷ đổ vào các dự án hạ tầng như nút giao Cổ Linh, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hay mới đây nhất là dự án cầu Trần Hưng Đạo. Với hàng chục nghìn tỷ đổ vào hạ tầng, khu Đông Hà Nội đã dần vươn lên trở thành một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ và năng động của Hà Nội.

Trong những năm gần đây, khu Đông Hà Nội bao gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm đang trở thành khu vực phát triển hạ tầng nhanh nhất Hà Nội. Theo quy hoạch Đô thị sông Hồng mới cùng kế hoạch phân bổ dân số tính đến năm 2030 do TP Hà Nội công bố, có ít nhất 215.000 người dân thuộc 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng sẽ phải di dời khỏi nội thành. 

Làn sóng dịch chuyển mới này được dự báo sẽ khiến nhu cầu bất động sản khu Đông dậy sóng, thu hút lượng lớn cư dân về đây nhờ các dự án có tiêu chuẩn quốc tế. 

Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của những đô thị ven sông nổi tiếng trên thế giới như Thượng Hải, Seoul, Paris,... hay TP HCM và Đà Nẵng của Việt Nam. Với chiến lược phát triển đồng đều đô thị hai bên bờ sông Hồng, khu Đông Hà Nội sẽ ngày càng "thu ngắn" khoảng cách với các khu vực trung tâm. Đặc biệt là khi khu vực này đang đón sóng đầu tư hạ tầng hàng nghìn tỷ.

Loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đã đi vào hoạt động trong những năm gần đây

Điểm hạn chế trước đây của khu vực phía Đông Hà Nội một phần là do sông Hồng ngăn cách. Người dân muốn di chuyển vào nội đô phải đi qua 5 cây cầu vượt sông - Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì và Vĩnh Tuy.

Đặc biệt vào các cung giờ cao điểm, hầu hết các cầu vượt sông Hồng đều trong tình trạng tắc nghẽn, đi lại khó khăn. Cũng bởi thế mà trong mắt nhà đầu tư 15 năm trước, phía Đông Hà Nội vẫn là "viên ngọc thô".

Song, với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ và bài bản trong những năm vừa qua, khu Đông Hà Nội giờ đây sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng hơn so với các khu vực khác.

Điển hình như công trình cầu Nhật Tân được khởi công từ năm 2009 và thông xe vào năm 2015. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. Cầu có tổng chiều dài 8,3 km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7 km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ hóa 'đòn bẩy thép', khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân được khởi công từ năm 2009 và thông xe vào năm 2015. (Ảnh: Hạ Vũ).

Sóng hạ tầng nghìn tỷ khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 2.

Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay quốc tế Nội Bài. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Ngoài ra, một số hạ tầng giao thông quy mô lớn cũng được đưa vào khai thác như cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, trục đường Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ, Quốc lộ 5 kéo dài,... Những công trình này không những kết nối hạ tầng khu vực giao thông mà còn góp phần khơi thông những dòng chảy lớn đầu tiên tới trung tâm và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh những tuyến hạ tầng huyết mạch, các công trình có ý nghĩa "gỡ nút thắt" cũng dần được hình thành. Đáng chú ý là nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) cũng đã hoàn thành, vừa được thông xe vào ngày 9/1.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ hóa 'đòn bẩy thép', khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 3.

Nút giao Cổ Linh là điểm nối với nhiều dự án giao thông huyết mạch như Vành đai 3, đường Cổ Linh, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng,... (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2020, thời gian thực hiện theo kế hoạch là 14 tháng. Tuy nhiên, dự án đã về đích sớm hơn dự tính hai tháng. Đây là nút giao hiện đại với quy mô 6 đường dẫn được "đấu nối" với các tuyến lưu thông huyết mạch như Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Việc hoàn thiện nút giao Cổ Linh cũng sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, khơi thông việc di chuyển vào nội đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rót vốn, triển khai các dự án mới

Ngoài tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối với các điểm tăng trưởng nhanh phía Bắc như Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh,... khu vực này còn hưởng lợi trực tiếp từ nhiều dự án nghìn tỷ đã và đang được triển khai.

Đáng chú ý, dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn cầu từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hai trong 6 công trình giao thông trọng điểm cấp bách trên địa bàn Hà Nội được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 4.

Dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy hiện đang thi công đoạn từ cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Dự án đường Vành đai 2 có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 4/2018 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Hiện dự án đang được tăng tốc triển khai nhằm đảm bảo tiến độ. Đây cũng là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp tại công trình.

Thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đang thi công đoạn từ cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng. Đoạn tuyến trên cao dự kiến hoàn thành vào năm 2023, kết thúc dự án sẽ đưa vào sử dụng đồng bộ toàn tuyến từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 5.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm ngay sát giai đoạn 1. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Sóng hạ tầng nghìn tỷ hóa 'đòn bẩy thép', khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 6.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã khởi công vào đầu tháng 1. (Ảnh: Hạ Vũ).

Cách dự án này không xa, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng được đẩy mạnh thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm ngay sát giai đoạn 1, sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, chiều dài 3,5 km, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông đang được triển khai với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Khi cây cầu huyết mạch này có thêm 4 làn đường, cùng với tuyến đường Vành đai 2 và nút giao Cổ Linh sẽ tạo nên trục kết nối thông suốt và rút ngắn thời gian di chuyển giữa Long Biên với các quận bên kia cầu như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa… Bên cạnh đó, đường tới các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh cũng sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Mới đây, Hà Nội cũng đã thông qua dự án cầu Trần Hưng Đạo nối phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với đường Cổ Linh (Long Biên) có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô 6 làn xe, chiều dài 5,5km, tốc độ thiết kế 80km/h, hứa hẹn sẽ trở thành cây cầu biểu tượng mới của Hà Nội với phương án thiết kế đề xuất ấn tượng.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ hóa 'đòn bẩy thép', khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 8.

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Cùng với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Trần Hưng Đạo, ngược lên phía Bắc, hệ thống cầu vượt sông Hồng sắp được bổ sung thêm hàng loạt dự án lớn như cầu Tứ Liên, cầu Thăng Long mới, cầu Thượng Cát, cầu Hồng Hà 9 và cầu Vân Phúc. Phía Nam trong tương lai không xa sẽ có thêm cầu Mễ Sở, cầu Ngọc Hồi và cầu Phú Xuyên.

Sóng hạ tầng nghìn tỷ hóa 'đòn bẩy thép', khơi thông mạch chảy đầu tư giúp khu vực này tại Hà Nội cất cánh - Ảnh 7.

Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng đang và sẽ xây dựng, bao gồm cầu Trần Hưng Đạo. (Đồ họa: Justin Bùi).

Bên cạnh hệ thống cầu vượt sông Hồng, bức tranh lớn hơn của hạ tầng giao thông khu Đông Hà Nội còn có những dự án nghìn tỷ khác đã được lên kế hoạch như tuyến Vành đai 4 và tuyến Metro số 8.

Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - 2050, phía Đông được định hướng là trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao và đô thị hiện đại trong đó Gia Lâm sẽ được nâng cấp lên quận vào năm 2022.

Với hạ tầng giao thông đã được đồng bộ và dần được hoàn thiện, bổ sung bởi những dự án nghìn tỷ mới, trong thời gian tới khu vực phía Đông Hà Nội sẽ còn chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, hứa hẹn trở thành điểm phát triển năng động, sầm uất mới của Thủ đô, đón làn sóng dân cư lên tới hàng trăm nghìn người.

Phương Trang