|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hạ tầng giao thông mở lối, Thanh Hóa vươn lên thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc

07:40 | 16/10/2021
Chia sẻ
Những dự án hạ tầng giao thông liên tục được triển khai như cao tốc Bắc - Nam hay đường từ trung tâm TP nối cảng hàng không Thọ Xuân đã giúp Thanh Hóa dần xóa bỏ điểm nghẽn về hạ tầng vốn kìm hãm sự phát triển trong nhiều năm qua, nhanh chóng đón sóng đầu tư từ các "đại bàng" lớn.

Với vị trí nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ và là cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, Thanh Hóa đang vươn lên trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những dự án giao thông trọng điểm liên tục được triển khai đã phá bỏ "nút thắt cổ chai", tạo đà phát triển vượt bậc cho kinh tế - xã hội xứ Thanh. Đây cũng chính là những điểm tiềm năng để tỉnh Thanh Hóa vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới, cộng hưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước.

Sóng đầu tư từ các "đại bàng" đổ vào Thanh Hóa

1,3 tỷ USD - đây là con số kỷ lục mà Foxconn, tập đoàn có quy mô hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm nay. Có tới ba địa điểm trên địa bàn tỉnh đã lọt và "mắt xanh" của tập đoàn này để đặt nhà máy sản xuất, gồm KKT Nghi Sơn, KCN phía Tây Thanh Hóa và KCN huyện Thiệu Hóa.

Dự án này được ví như "sóng lớn" trong làn sóng đầu tư liên tục đổ vào Thanh Hóa trong những năm gần đây. Không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, song danh sách các nhà đầu tư vào Thanh Hóa luôn được bổ sung bởi những tên tuổi hàng đầu.

Hạ tầng giao thông mở lối, Thanh Hóa vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính Thanh Hóa. (Ảnh: Deltacorp).

Chẳng hạn như WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã đặt vấn đề về việc đầu tư hai dự án hạ tầng khu công nghiệp với quy mô hàng trăm ha tại KKT Nghi Sơn và huyện Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư cả hai dự án khoảng 335 triệu USD.

Hay vào tháng 6 năm ngoái, Tập đoàn Dầu khí Millennium (Mỹ) cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với mong muốn đầu tư dự án trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD bằng hình thức đầu tư trực tiếp: Xây dựng - Sở hữu - Vận hành.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 76 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 114.000 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD.

Bên cạnh dòng vốn FDI, làn sóng đầu tư hàng nghìn tỷ từ các "ông lớn" địa ốc như Vingroup, FLC, T&T hay Sungroup,... giúp cho thị trường Thanh Hóa vẫn duy trì sự sôi động trong thời gian dịch bệnh phức tạp.

Thanh Hóa - Cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Làn sóng đầu tư đã tạo thành bệ đỡ để kinh tế Thanh Hóa khởi sắc với tốc độ tăng trưởng luôn nằm trong nhóm đầu cả nước. Trên bảng xếp hạng, quy mô kinh tế của tỉnh trong năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong tổng số 63 tỉnh, thành.

Hay trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng 8,07%, mặc cho bối cảnh chung từ tình hình dịch bệnh.

35.000 tỷ rót vào các dự án giao thông 5 năm tới

Cách đây chưa đến 10 năm, cơ sở hạ tầng tại Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, du lịch vắng khách và phát triển theo mùa vụ,... Tuy nhiên, tới nay, các "nút thắt cổ chai" trong hạ tầng giao thông và phát triển đô thị đã dần được xóa bỏ.

Để mở đường cho phát triển kinh tế, Thanh Hóa cũng đã có kế hoạch rót gần 35.000 tỷ đồng vào 43 dự án giao thông, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Các công trình giao thông đầu tư đồng bộ sẽ là "cú hích" cho địa phương này đến gần hơn với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới trong "tứ giác phát triển" khu vực phía Bắc, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Với việc liên tiếp khởi công hai dự án lớn trong năm 2020 gồm cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối hai tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa và đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa đã có được bước khởi đầu ngoạn mục trên lộ trình thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, tạo lực đẩy cho kinh tế.

Hạ tầng giao thông mở lối, Thanh Hóa vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc - Ảnh 3.

Cận cảnh tuyến đường nối TP Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Cho đến nay, hình hài tuyến đường dài 35km nối TP Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân đã khá rõ nét. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2022 giúp việc kết nối sân bay với trung tâm tỉnh trở nên dễ dàng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, tuyến đường này sẽ tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển mở rộng TP Thanh Hóa về phía Tây, đồng thời là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến cao tốc Bắc Nam.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho xứ Thanh.

Trong giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng 4 làn xe, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 6 làn xe.

Huyết mạch giao thông chính là sợi dây thu hẹp khoảng cách giữa Thanh Hóa với các đầu tàu kinh tế khác của cả nước. Đặc biệt, ngay khi một phần của cao tốc Bắc - Nam đoạn Thanh Hóa - Ninh Bình đi vào hoạt động sẽ giúp việc di chuyển từ địa phương này tới Thủ đô chỉ mất chưa tới 2h đồng hồ.

Hạ tầng giao thông mở lối, Thanh Hóa vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc - Ảnh 4.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội. (Đồ họa: Justin Bùi).

Thêm vào đó, địa phương này cũng dự kiến sẽ có nhiều tuyến đường trọng điểm, có mức vốn đầu tư cao đi vào vận hành, như: đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông - Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A...

Địa phương này còn có thêm hai dự án nghìn tỷ khác dự kiến khởi công trong năm nay gồm tuyến đường ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia với khoảng 3.400 tỷ đồng, cùng với đó là tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ, Thanh Hóa hiện đang dồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nguồn đầu tư cho hạ tầng luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động cho nhà đầu tư phát triển như ở giai đoạn 2016 – 2020 lên tới 610.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011 – 2015. Con số này cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 5 cả nước.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát triển hạ tầng giao thông cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược, giúp Thanh Hóa khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.