Sôi động thị trường xe máy điện Đông Nam Á
Thời gian gần đây, khu vực Đông Nam Á là nơi diễn ra nhiều hội nghị quốc tế cấp cao. Tại Bali, Bangkok và Singapore, nhiều hội nghị được tổ chức để thảo luận về những vấn đề khác nhau, theo Bloomberg.
Sau gần ba năm dịu xuống do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu chứng kiến các hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại khi các quốc gia trong khu vực bắt đầu dỡ bỏ các lệnh cấm, đón khách du lịch quốc tế trở lại.
Vivek Lath, đối tác của McKinsey, công ty tư vấn quản trị toàn cầu, có một xu hướng ở Đông Nam Á đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người, trong đó bao gồm cả giới quan chức cấp cao.
Cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia, có một số đơn vị đã cung cấp xe máy điện cho những người tham dự để họ có thể tự di chuyển từ nơi ở đến khu vực diễn ra sự kiện. Không những vậy, ngay cả lực lượng cảnh sát địa phương cũng được trang bị xe điện để bảo vệ và hộ tống giới quan chức khi tham dự G20.
Bên cạnh các chủ đề được đưa ra để thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 thì chính các loại xe máy điện được cung cấp cho những người tham dự đã trở thành điểm nhấn được nhiều người quan tâm.
Với Vivek Lath, việc xe máy điện được mang ra để phục vụ cho một trong những sự kiện quốc tế cấp cao đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp xe máy điện đã và đang có những bước tiến mới ở khu vực Đông Nam Á.
“Xe máy từ lâu đã là một trong những phương tiện giao thông được sử dụng rộng rãi ở Đông Nam Á. Trong cuộc cách mạng điện khí hóa phương tiện giao thông, các doanh nghiệp Indonesia dự đoán rằng xe máy điện sẽ dần trở nên phổ biến hơn ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này. Theo tôi, đây sẽ là phân khúc có khả năng tăng trưởng nhanh trong những năm tới khi xe điện được nhiều người chấp nhận hơn”, đối tác của McKinsey chia sẻ.
Tại các thành phố Đông Nam Á có mật độ người tham gia giao thông đông đúc như Hà Nội hay Jakarta, việc sở hữu một phương tiện nhỏ gọn, có hiệu suất phù hợp sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, đối với những người lao động phổ thông hoặc đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu, việc mua những chiếc xe máy điện vẫn đơn giản hơn nhiều so với việc mua ô tô điện, một sản phẩm vẫn được coi là tương đối đắt đỏ so với mức thu nhập trung bình của người lao động tại khu vực Đông Nam Á.
Rahul Gupta, một đối tác khác của McKinsey, cho rằng tỷ trọng xe máy điện có thể đạt mức 50% trên toàn thị trường xe máy trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Con số tương tự đối với ô tô điện trên thị trường ô tô toàn khu vực vào năm 2023 được Rahul Gupta dự đoán chỉ là 20%.
Trong sự phát triển chung của thị trường xe máy điện, các quốc gia như Việt Nam và Indonesia, nơi có số lượng người sử dụng xe máy và xe tay ga lớn, sẽ trở thành động lực thúc đẩy chính. Các siêu ứng dụng trong khu vực như Grab của Singapore và Gojek của Indonesia cũng cam kết sẽ chuyển các đội xe của họ thành xe điện trong tương lai, góp phần vào sự phát triển chung đối với xe máy điện.
Các doanh nghiệp Đông Nam Á tăng tốc trên thị trường xe máy điện
Indonesia Battery Corp, một đơn vị chuyên sản xuất pin xe điện thuộc sở hữ của nhà nước Indonesia, đặt mục tiêu sản xuất khoảng 50.000 bộ pin cho xe hai bánh vào năm 2023. Số lượng bộ pin này sẽ được dùng để hỗ trợ khoảng 115 triệu xe máy điện lăn bánh trên các con đường tại Indonesia trong tương lai.
Tại Việt Nam, thị trường xe máy điện cũng bắt đầu trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây với việc có nhiều thương hiệu tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Chẳng hạn, hãng xe Việt VinFast vào tháng 4 đã chính thức ra mắt 5 mẫu xe điện mới gồm Feliz S, Klara S (2022), Vento S, Theon S và Evo 200, với khả năng hoạt động lên tới gần 200 km sau mỗi lần sạc đầy.
Ngoài VinFast, thị trường xe máy điện Việt còn có sự tham gia của các startup khác, nổi bật là Dat Bike, thương hiệu từng lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn. Cũng trong tháng 4, startup xe máy điện Việt Nam này đã huy động được 5,3 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia tiếp tục của nhà đầu tư Wavemaker Partners, đơn vị đã rót vốn vào Dat Bike ở những vòng gọi vốn trước, theo Tech in Asia. Tính đến hết vòng gọi vốn này, Dat Bike đã huy động thành công tổng cộng 10 triệu USD.
Mới nhất, PEGA (tiền thân là HKbike) được biết đến là thương hiệu xe điện tại Việt Nam, cũng đã hoàn tất việc đăng ký bản quyền cho một mẫu xe máy điện mới tại Việt Nam. Thông tin chi tiết về mẫu xe này chưa được tiết lộ.
Thị trường xe máy điện Đông Nam Á không chỉ có các thương hiệu trong khu vực. Các nhà sản xuất châu Á cũng bắt đầu chú ý tới thị trường tiềm năng này. Ông lớn Honda của Nhật Bản dự định tăng gấp đôi kế hoạch ra mắt, dự kiến tung ra ít nhất 10 mẫu xe trên toàn cầu vào năm 2025.
Trang Clean Technica từng nhận định rằng xe máy vốn đã là nền tảng cho ngành giao thông vận tải ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh chính phủ nhiều quốc gia trong khu vực đang tung ra các gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện với mong muốn người dân chuyển sang các phương tiện này, xe máy điện có tiềm năng trở thành phương tiện được nhiều người dân Đông Nam Á quan tâm hơn trong tương lai.