|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số phận kinh tế Eurozone trong bối cảnh những bất ổn rình rập

08:43 | 16/01/2020
Chia sẻ
Số phận kinh tế của Eurozone sẽ phụ thuộc vào những tiến triển của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như hậu quả của việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Số phận kinh tế Eurozone trong bối cảnh những bất ổn rình rập - Ảnh 1.

Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro.Ảnh: AFP/TTXVN

Vào tháng 1/2019,  mức trung bình dự báo của các nhà kinh tế được Bloomberg thu thập cho rằng mức tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là 1,6% cho năm 2019; nhưng cuối cùng thực tế chỉ ghi nhận khoảng 1,2%.

Khi các đòn bẩy tăng trưởng bị vô hiệu hóa

Tăng trưởng tại Eurozone trong năm 2019 là mức tăng tồi tệ nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2013. Sau năm 2014 đạt mức chỉ 1,4%, khu vực đã trải qua 4 năm hồi phục (2,1% trong năm 2015, 1,9% trong năm 2016, 2,5% trong năm 2017 và 1,9% trong năm 2018).

Lời giải thích cho sự giảm tốc này là do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra mạnh mẽ hơn dự kiến, khiến ngành công nghiệp của Đức rơi vào suy thoái. 

Cùng với đó, những khó khăn nghiêm trọng của thị trường ô tô như khủng hoảng diesel hay sự chuyển đổi sang xe điện đã làm trầm trọng thêm vấn đề. 

Nước Đức, một trong những động lực tăng trưởng chính của Eurozone, hiện đang dậm chân tại chỗ và cả khu vực đang bị ảnh hưởng.

Sẽ không có sự cải thiện ngoạn mục nào được dự kiến cho năm 2020. Các nhà kinh tế dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone sẽ chỉ tăng 1% trong năm nay (theo Vanguard và Oxford Economics), 0,9% (theo Nomura), hoặc thậm chí chỉ 0,5% (theo dự báo của Capital Economics).

"Tăng trưởng sẽ ổn định nhưng tương đối yếu", đó là nhận định của Oxford Economics. Sau một năm 2019 yếu ớt, 2020 cũng được dự kiến là không thể khá hơn. Tuy nhiên, một số người lạc quan vẫn kỳ vọng vào một sự cải thiện nhẹ trong nửa cuối của năm.

Bên cạnh những dự báo trên, các nhà kinh tế cũng thu hút sự chú ý vào các xu hướng chính của thời điểm hiện tại. 

Họ kết luận rằng hai đòn bẩy chính mà các chính phủ có thể sử dụng là kích thích tiền tệ và kích thích tài khóa sẽ không có điều chỉnh nhiều trong năm 2020. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ phụ thuộc vào các cú sốc bên ngoài.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tiếp tục một chính sách tiền tệ đã vô cùng phù hợp và tình hình khó có thể tiến xa hơn. Ông Mario Draghi, người đã rời vị trí Chủ tịch ECB vào cuối tháng 10, đã tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng ngay trước khi từ nhiệm và hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,5%.

Điều này cho phép người kế nhiệm của ông, bà Christine Lagarde, có thời gian để thực hiện chính sách của mình. Không thể có những thông báo mang tính quan trọng trong những tháng tới. 

Bà Lagarde sẽ đưa ra "đánh giá chiến lược" của mình, có thể thay đổi cách ECB xác định nhiệm vụ của họ, nhưng quyết định sẽ không thể được đưa ra vào trước cuối năm nay.

Về mặt ngân sách, giữ nguyên hiện trạng là xu hướng chiếm ưu thế. Các quốc gia như Pháp, Italy, Tây Ban Nha… đã sẵn sàng về mặt chính trị để vực dậy nền kinh tế của họ, nhưng điều được dự báo là sẽ không có nhiều đất để xoay trở. 

Một số quốc gia khác như Đức hay Hà Lan… được cho là sẽ không có ý chí chính trị để thực hiện điều tương tự trên quy mô lớn.

Những yếu tố bất ổn rình rập

Các chuyên gia kinh tế tại Nomura dự đoán Đức sẽ nới lỏng ngân sách một chút vào năm 2020, nhưng khả năng tung ra một gói kích thích mạnh là rất thấp. 

Một số chuyên gia của Vanguard nhận định về mặt lý thuyết, Đức có thể đủ khả năng chi 2% GDP mà không làm tăng tỷ lệ nợ công, nhưng họ không tin vào một kịch bản kích thích tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, một sự phục hồi tương đương 0,5% GDP là có thể. Thủ tướng Đức Angela Merkel, mặc dù đang ở vào cuối nhiệm kỳ, luôn luôn rất cẩn thận và không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ thay đổi thái độ của mình.

Không muốn hoặc bị bó buộc trong khuôn khổ các hành động về chính sách tiền tệ và ngân sách, số phận Eurozone sẽ phụ thuộc vào những cơn gió kinh tế thổi tới từ bên ngoài “lục địa già”, trong đó tiến triển của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là ẩn số chính. 

Dấu hiệu hạ nhiệt gần đây, như việc Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ việc áp dụng thuế quan mới vào tháng 12/2019, mang lại hy vọng cho một năm 2020 yên ả hơn.

Tương lai của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có thể khiến ông phải thận trọng hơn. Nhưng ai biết được sẽ không đột ngột xuất hiện một dòng Tweet nào đó mà Tổng thống Mỹ có thể công bố trong một buổi sáng giận dữ?

Các nhà kinh tế từ Oxford Economics gợi lại rằng từng hai lần trong năm 2019, vào tháng Năm và tháng 11, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã phải nín thở khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu nâng mức thuế 25% đối với ô tô châu Âu. 

Dù rằng Nhà Trắng thực tế đã để những tối hậu thư này trôi qua, ngành công nghiệp ô tô châu Âu vẫn chưa thể thoát ra khỏi vụ việc.

Bên cạnh đó, những điều không chắc chắn xung quanh tiến trình Brexit vẫn chưa mất đi. Phải thừa nhận rằng, chiến thắng của ông Boris Johnson trong cuộc bầu cử lập pháp vào giữa tháng 12/2019 có nghĩa là Vương quốc Anh chắc chắn sẽ rời EU vào ngày 31/1.

Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai giữa London và Brussels vẫn sẽ được đàm phán. Cùng với đó, mọi kịch bản vẫn còn trên bàn đàm phán, từ một Vương quốc Anh gần gũi về kinh tế với EU đến khả năng quan hệ hai bên bị phá vỡ đột ngột.

Ngoài ra, trường hợp của Italy cũng là một dấu chấm hỏi lớn. Liệu sẽ có một cuộc bầu cử mới và một chính phủ do Matteo Salvini, thủ lĩnh cực hữu và bài châu Âu, lãnh đạo? 

Với hiện trạng tăng trưởng chỉ đạt 0,1% mỗi quý kể từ đầu năm 2018, bất kỳ cú sốc nào đối với nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone đều sẽ trở nên nguy hiểm.

Sự không chắc chắn cũng đè nặng lên Pháp, quốc gia đã đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực vào năm ngoái, khi các cuộc đình công chống lại cải cách lương hưu vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, về trung hạn, các nhà phân tích của Jefferies tỏ ra lạc quan hơn. Họ chỉ ra rằng sự xuất hiện đồng thời của bà Lagarde tại ECB và Ursula von der Leyen với tư cách là Chủ tịch Ủy ban châu Âu là những lý do đáng để hy vọng.

Bà von der Leyen đã công bố một “Thỏa thuận xanh lớn”, một kế hoạch đầu tư cho quá trình chuyển đổi sinh thái. Nếu điều này thành hiện thực, nó có thể được xem như gói kích thích ngân sách quan trọng.

Cùng với nhau, hai người phụ nữ quyền lực của châu Âu có thể thúc đẩy các chương trình cải cách thường xuyên bị hoãn, đặc biệt là liên quan đến liên minh ngân hàng. 

Các nhà phân tích của Jefferies nhận định các nhà lãnh đạo Lagarde và von der Leyen có một nhiệm vụ to lớn trước mắt và kết luận rằng Eurozone có thể tạo nên những bất ngờ theo hướng tích cực.

Kim Chung

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.