|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tình hình ngân sách và nợ công của các nước thành viên Eurozone

07:08 | 09/11/2019
Chia sẻ
Trong khi đó, EC dự báo nợ công của Italy - quốc gia có mức nợ công cao nhất EU - sẽ tăng lên mức tương đương 136,2% GDP, năm 2019, 136,8% GDP năm 2020 và 137,4% GDP năm 2021.
Tình hình ngân sách và nợ công của các nước thành viên Eurozone - Ảnh 1.

Đồng euro tại Lille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong dự báo kinh tế hàng quý công bố ngày 7/11, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ tiếp tục thặng dư ngân sách cho đến năm 2021 mặc dù mức thặng dư sẽ giảm dần.

Bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi, Đức đang hướng tới duy trì ngân sách tiếp tục thặng dư trong năm 2019 ở mức tương đương 1,2% GDP.

EC dự kiến thặng dư ngân sách của Đức sẽ giảm xuống 0,6% GDP năm 2020 và 0,2% GDP năm 2021.

Theo dự đoán của EC, thâm hụt ngân sách năm 2019 của Pháp sẽ tiếp tục cao hơn mức trần tương đương 3% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ giảm xuống còn 2,2% GDP trong hai năm 2020 và 2021.

Trong khi đó, EC dự báo nợ công của Italy - quốc gia có mức nợ công cao nhất EU - sẽ tăng lên mức tương đương 136,2% GDP, năm 2019, 136,8% GDP năm 2020 và 137,4% GDP năm 2021.

Tuy vậy, Chính phủ Italy lại dự đoán nợ công của nước này sẽ giảm xuống còn 135,2% GDP năm 2020 và tiếp tục giảm trong năm 2021.

Trong khi đó, một nước thành viên khác của Eurozone là Hà Lan có khả năng tăng chi tiêu ngân sách cũng đang hướng tới kịch bản thặng dư ngân sách đạt 1,5% GDP năm 2019, 0,5% GDP năm 2020 và 0,4% GDP năm 2021.

Ủy viên Kinh tế của EU Pierre Moscovici đánh giá tích cực về việc giảm thặng dư ngân sách, song cho rằng các nước.

Eurozone vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo "sức khỏe" ngân sách và tăng trưởng kinh tế ổn định.

Eurozone sẽ hạn chế mức chi tiêu của các dự thảo ngân sách mà chính phủ các nước thành viên khu vực này đệ trình bất chấp những kêu gọi ứng phó tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Theo EC, các nước có mức nợ cao sẽ duy trì chi tiêu ngân sách cho dù nhận được những khuyến nghị "thắt chặt hầu bao".


Anh Quân