Số nợ xấu ngân hàng bán cho VAMC tăng 43% trong năm 2021, đạt gần 21.000 tỷ
Ngày 26/1/2022, tại Hà Nội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tại Hội nghị, Tổng giám đốc VAMC, ông Đoàn Văn Thắng cho biết các kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VAMC đều tăng trưởng cao so với năm 2020.
Cụ thể, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 20.999 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 43,35% so với năm 2020.Mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) đạt 2.116 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 41,32% so với năm 2020.
VAMC cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu mua nợ bằng TPĐB, hoàn thành 88% kế hoạch mua nợ theo GTTT và ước đạt 83% kế hoạch xử lý nợ được NHNN giao.
Đặc biệt, 100% các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2021 hoàn thành vượt kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2020, cụ thể: chỉ tiêu doanh thu tăng 9,06% kế hoạch (tăng 99% so với năm 2020); chỉ tiêu lợi nhuận vượt 21,7% kế hoạch (tăng 36% so với năm 2020) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vượt 20% kế hoạch.
Triển khai nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch HĐTV đại diện VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết VAMC tiếp tục triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm.
Trong đó bao gồm đẩy mạnh hoạt động mua bán và xử lý nợ theo GTTT; triển khai việc lựa chọn, tìm kiếm các khoản nợ, tài sản bảo đảm; tăng cường hoạt động Sàn giao dịch nợ trở thành trung tâm kết nối thị trường nợ xấu, hoàn thiện mô hình tổ chức và các quy chế nội bộ; tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng TPĐB theo chỉ đạo của NHNN; xây dựng hệ thống thông tin quản lý một cách có hiệu quả khối lượng lớn các khoản nợ xấu VAMC đã mua và đang quản lý.
Đồng thời, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo GTTT theo phương án được NHNN phê duyệt; triển khai các nghiệp vụ mới theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC đã được quy định tại Nghị định số 53 của Chính Phủ.
Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò của VAMC và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2022, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp, hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ, NHNN giao, góp phần ổn định nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên mức 3,9%. Nếu tính toán một cách đầy đủ cả dư nợ tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu hệ thống ở mức 7,31%.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng xác định nợ xấu là một trong những thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.