|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VAMC mới đạt 38% kế hoạch mua nợ cả năm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19

17:02 | 07/11/2021
Chia sẻ
Từ tháng 6/2021 đến nay, hoạt động mua bán nợ, thu giữ tài sản bảo đảm, định giá tài sản... của VAMC gần như bị đình trệ hoàn toàn, nhất là tại địa bàn trọng tâm xử lý nợ là TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Ảnh hưởng từ dịch COVID-19, VAMC mới chỉ hoàn thành 38% kế hoạch mua nợ cả năm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Người lao động).

Công ty Quản lý Tài sản VAMC mới đây cho biết hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu từ năm 2020 đến nay đã gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong 5 tháng gần đây.

Tính đến 31/10/2021, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, tương đương 38,44% kế hoạch mua nợ năm 2021. Đáng chú ý, kết quả này được thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, giai đoạn Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. 

Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 6/2021 đến nay, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động của VAMC như khảo sát khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ), làm việc với khách hàng/tổ chức tín dụng (TCTD), niêm yết thông báo thu giữ/thông báo đấu giá tài sản, thực hiện thu giữ TSBĐ, định giá, đấu giá tài sản… nhất là tại địa bàn trọng tâm xử lý nợ của VAMC là TP HCM và các tỉnh thành phía Nam gần như bị đình trệ hoàn toàn.

Về phía các TCTD có nhu cầu bán nợ xấu cho VAMC, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện phương án bán nợ xấu. Thông thường, TCTD sẽ ưu tiên thực hiện bán nợ theo phương thức đấu giá, nếu không đấu giá mới xem xét bán nợ cho VAMC theo phương thức thỏa thuận. 

Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội, quá trình triển khai các bước trong quy trình đấu giá trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn, cá biệt có một số tổ chức đấu giá thực hiện niêm yết, thông báo đấu giá, tổ chức trả giá, tổ chức công bố giá… chưa đúng quy định của Luật Đấu giá (Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp đã phải có văn bản chấn chỉnh hoạt động này).

Điều này dẫn đến các TCTD không thực hiện được việc bán đấu giá khoản nợ, qua đó không triển khai bán nợ xấu theo phương thức thỏa thuận cho VAMC.

Bên cạnh đó, việc triển khai tìm kiếm, phối hợp giữa VAMC với TCTD trong hoạt động mua bán, xử lý nợ hiện cũng chỉ dừng lại ở hoạt động tiếp cận thông tin, chuẩn bị các bước tiếp theo sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội được diễn ra trong trạng thái bình thường mới. 

Thực tế, có những khoản nợ VAMC đã tiếp xúc, đàm phán với TCTD từ trước tháng 6/2021 và dự kiến sẽ mua nợ theo GTTT trong Quý III, IV năm 2021, nhưng đến nay VAMC vẫn chưa thể mua nợ thành công do các TCTD chưa thực hiện được các thủ tục đấu giá khoản nợ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến doanh số mua nợ theo GTTT của VAMC đến thời điểm hiện tại chưa đạt kế hoạch đề ra.

Không chỉ vậy, việc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sụt giảm nguồn thu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng mà trong thời gian trước đây VAMC áp dụng phương án xử lý nợ bằng hình thức cơ cấu nợ, đôn đốc thu hồi nợ. 

Việc thu hồi tiền từ việc đấu giá tài sản, bán khoản nợ cũng bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, thậm chí có một số đối tác đã đặt vấn đề, tìm hiểu mua khoản nợ, tài sản của VAMC cũng đã tạm dừng triển khai kế hoạch mua khoản nợ, tài sản.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ các TCTD giảm bớt áp lực gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. 

Tuy nhiên, xét theo khía cạnh xử lý nợ xấu của VAMC, việc TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ sẽ làm giảm nhu cầu xử lý nợ xấu thông qua việc mua bán nợ với VAMC.

Tính đến 30/9/2021, VAMC xử lý được 18.358 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.

Năm 2021, VAMC đặt mục tiêu mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường 5.000 tỷ đồng, xử lý thu hồi nợ 30.000 tỷ đồng.

Với tác động của dịch bệnh thời gian qua và dự báo khó khăn vẫn chưa dừng lại, VAMC cho biết mục tiêu trên trên khó có thể hoàn thành hết.

Tuy nhiên, đơn vị cho biết sẽ nỗ lực thực hiện hoạt động mua bán xử lý nợ từ nay đến cuối năm 2021 thông qua các biện pháp như tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm, tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn; vận hành sàn giao dịch nợ VAMC, đẩy mạnh truyền thông về hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Huy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.