Số lượng tỷ phú Việt nằm ở đâu so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á?
Vừa qua, tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2023. Năm nay, Việt Nam có tổng cộng 6 tỷ phú, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.
Như vậy, chỉ sau một năm đạt cột mốc kỷ lục với 7 tỷ phú lọt vào danh sách tỷ phú toàn cầu của Forbes, số lượng tỷ phú Việt đã giảm xuống. Cái tên từng góp mặt trong danh sách năm 2022 nhưng vắng mặt trong danh sách năm nay là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Nova Group.
Nhìn rộng hơn, số lượng tỷ phú Việt Nam năm nay vẫn còn kém tương đối xa so với danh sách tỷ phú của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, trong danh sách năm 2023 của tạp chí Forbes, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia có ít nhất một tỷ phú được vinh danh, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo số liệu được cập nhật trên The Real Time Billionaires List sáng 5/4.
Trong đó, Thái Lan là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất xuất hiện trong danh sách năm nay với 26 người. Người dẫn đầu danh sách tỷ phú của xứ Chùa Vàng là ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người kiểm soát Thai Baverage, nhà sản xuất bia lớn nhất Thái Lan, nổi tiếng với thương hiệu bia Chang. Hiện ông đang nắm giữ khối tài sản ròng có giá trị ước tính 15,6 tỷ USD, là người giàu thứ 111 thế giới.
Singapore là quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á năm nay với 24 người. Người dẫn đầu danh sách tỷ phú của quốc gia này là ông Li Xiting, nhà sáng lập và chủ tịch Mindray, nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc. Ông đang nắm giữ tài sản ròng trị giá 16,2 tỷ USD, là người giàu thứ 106 thế giới.
Indonesia là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất Đông Nam Á năm ngoái với 30 người, song năm nay danh sách chỉ còn lại 21 cái tên, đứng thứ ba trong khu vực. Người dẫn đầu danh sách tỷ phú của quốc gia này là Low Tuck Kwong, người được mệnh danh là vua than đá, đồng thời là người sáng lập Bayan Resources, một công ty khai thác than ở Indonesia. Ông đang sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 30,2 tỷ USD, đồng thời là người giàu thứ 44 thế giới.
Các quốc gia còn lại có số lượng tỷ phú lần lượt là Malaysia (14 người) và Philippines (14 người). Những người giàu nhất tại hai quốc gia này lần lượt là tỷ phú Robert Kuok (12,2 tỷ USD – hạng 142 thế giới) và tỷ phú Manuel Villar (9 tỷ USD – hạng 216 thế giới).
Trong số những quốc gia Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách năm nay, Việt Nam là nước có ít cái tên nhất với chỉ 6 người. Hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn người giàu nhất Việt Nam khi sở hữu tài sản ròng có giá trị ước tính 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới.
Đứng ở các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng năm nay bao gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD – xếp hạng 1.318 trên toàn cầu); ông Trần Đình Long (1,8 tỷ USD – xếp hạng 1.637 trên toàn cầu); ông Trần Bá Dương & gia đình (1,5 tỷ USD – xếp hạng 1.874 trên toàn cầu); ông Hồ Hùng Anh (1,5 tỷ USD – xếp hạng 1.876 trên toàn cầu) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD – xếp hạng 2.194 trên toàn cầu).
Về tổng giá trị khối tài sản ròng đang nắm giữ, dù chỉ có số lượng tỷ phú nhiều thứ ba khu vực, song Indonesia lại đứng đầu. Tổng cộng 21 tỷ phú của quốc gia này sở hữu khối tài sản ròng có giá trị ước tính đạt mức 134,2 tỷ USD, nhiều hơn năm 2020 (112,8 tỷ USD) dù số lượng tỷ phú giảm đi.
Trong khi đó, các quốc gia còn lại ở khu vực Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách của Forbes năm nay đều chứng kiến chỉ số này giảm sau một năm. Đứng ở các vị trí còn lại lần lượt là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam.