SK Group sẽ thoái vốn như thế nào tại Masan Group
Tại cuộc trao đổi với nhà đầu tư chiều 27/6, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược và Phát triển Masan Group (mã: MSN) giải thích chi tiết về kế hoạch hỗ trợ SK Group giảm tỷ lệ sở hữu tại Masan.
Thời gian gần đây có những thông tin về việc SK Group - cổ đông nươc ngoài lớn nhất tại Masan, đã thực hiện quyền chọn bán, tức là yêu cầu bán lại cho Masan Group hoặc bán lại trên thị trường.
Khi có thông tin này, nhà đầu tư có thể quan ngại khi cho rằng sắp tới sẽ có một lượng lớn cổ phiếu MSN bán tháo trên thị trường. Do đó, đầu tuần này Masan Group đã đưa ra thông cáo báo chí khẳng định thông tin SK Group thực hiện quyền chọn bán là hoàn toàn không chính xác.
Ông Nam Anh chia sẻ, thực tế, SK Group và Masan Group trong thời gian rất dài đã nói chuyện với các nhà đầu tư rằng hai bên là đối tác lâu dài với nhau trên thị trường và sẽ cùng nhau suy nghĩ về lộ trình để SK giảm tỷ lệ sở hữu tại Masan, chuyển nhượng cổ phiếu theo giao dịch thoả thuận trên thị trường.
“Trong thời gian ngắn thôi, chúng tôi đã có những nhà đầu tư quỹ, am hiểu Masan Group sẵn sàng mua lại số cổ phần SK nắm giữ, trong một giao dịch thoả thuận, chứ không bán hàng loạt trên thị trường. Tức sẽ có một quỹ đầu tư lớn nhảy vào ôm ngay lượng cổ phiếu lớn của SK Group trao tay”, ông Nam Anh giải thích.
Vị giám đốc nói điều này sẽ tháo gỡ được “ngưỡng cản tâm lý” dành cho các nhà đầu tư đối với cổ phiếu MSN của Masan Group. Theo ông Nam Anh, từ đầu năm đến cuối tháng 4, giá cổ phiếu MSN ở khoảng 60.000 - 70.000 đồng/cp. Trong tháng 5, MSN đạt 80.000 đồng/cp và hiện tại dao động từ 73.000 đồng/cp tới 74.000 đồng/cp.
“Như vậy, giá cổ phiếu MSN đã từ khoảng giá 60.000 - 70.000 đồng/cp lên mức 70.000 - 80.000 đồng/cp. Động lực của đà tăng này là sau khi Masan Group công bố bán 100% H.C. Starck Holding với giá 135 triệu USD. Nhà đầu tư có thể nhận thấy đây là bước đầu trong lộ trình giảm dần phần sở hữu của Masan Group trong lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi, qua đó nâng mức giá cổ phiếu MSN”, ông Lê Bá Nam Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan Group, trên thị trường, các công ty chứng khoán đều dự báo mức giá cao hơn thị giá hiện tại, nhưng MSN vẫn chưa thể bứt được qua ngưỡng 80.000 đồng/cp.
Vị giám đốc nói rằng lý do là có một “ngưỡng cản tâm lý” ở giá 80.000 - 85.000 đồng/cp bởi ở mức giá này SK Group có thể có quyền chọn bán. Nên khi cổ phiếu MSN lên gần ngưỡng 80.000 đồng/cp thì bắt đầu có ngưỡng cản tâm lý, nhà đầu tư bắt đầu bán vì lo sợ SK Group có thể thoái vốn, xả hàng trên thị trường.
Do đó, ông Nam Anh khẳng định khi SK Group thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại Masan Group thông qua giao dịch thoả thuận trên thị trường thì ngưỡng cản tâm lý của nhà đầu tư với cổ phiếu MSN sẽ giảm đi, không có lực bán xảy ra ở ngưỡng 80.000 - 85.000 đồng/cp nữa.
“Đây là lý do vì sao cổ phiếu MCH, TCB tăng rất nhiều nhưng MSN vẫn đứng lại, là do có ngưỡng cản tâm lý. Đây chỉ là yếu tố kỹ thuật, hoàn toàn không liên quan đến giá trị của một công ty”, lãnh đạo Masan Group nhấn mạnh.
Trước đó, thông tin từ Maeil Business Newspaper, SK Group - Chaebol lớn thứ ba tại Hàn Quốc đang xem xét thoái vốn cổ phần tại các "gã khổng lồ" ở Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won (khoảng 720 triệu USD) tiền đầu tư ban đầu.
Trong đó, theo bài báo, SK Group có thể sẽ thực hiện quyền chọn bán và đang tìm đối tác để bán 9% cổ phần của mình tại tập đoàn Masan. Số tiền bán cổ phần có thể được thu lại vào cuối năm nay. Một lãnh đạo của SK Group cho biết rằng, ngay cả khi việc thoái vốn hoàn tất, mối quan hệ hợp tác với Masan Group sẽ vẫn sẽ được duy trì.
Theo báo cáo quản trị, tại ngày 31/12/2023, SK Group thông qua SK Investment Vina I Pte đang nắm 9,26% cổ phần Masan Group. Với tỷ lệ này, SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Tháng 11/2018, cổ đông ngoại này rót vốn vào Masan Group (giá bình quân 100.000 đồng/cp) có điều khoản thoái vốn với số tiền gốc 470 triệu USD thông qua quyền chọn bán. Không chỉ đầu tư vào Masan, SK Group còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào The CrownX.