|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Masan Group giải đáp về khả năng SK Group thoái vốn

16:20 | 08/05/2024
Chia sẻ
Ngoài vai trò là cổ đông lớn, SK Group hiện vẫn là một trong những đối tác lớn của Masan Group.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Masan Group nhận được câu hỏi tập đoàn đã chuẩn bị như thế nào cho việc SK Group rời đi? Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group, cho hay ông không mong đợi bất kỳ đợt bán tháo ồ ạt nào đối với cổ phiếu do SK nắm giữ.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với SK Group với tư cách là đối tác, bên ngoài vai trò là cổ đông tập đoàn. Họ cũng sở hữu riêng cổ phần tại The CrownX và WinCommerce. Họ cũng cam kết sẽ đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này theo một cách rất trật tự trong 24 tháng tới. Do đó, các nhà đầu tư không nên lo lắng về việc bán tháo cổ phiếu tiềm năng gây áp lực lên giá cổ phiếu”, ông Danny nói. 

 Ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group. (Ảnh: Masan Group cung cấp).

“Tôi nghĩ lợi ích của SK Group, cũng như là cổ đông của The CrownX, ở Việt Nam là lâu dài. Chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện việc này theo một cách hợp tác. Ngoài ra, tôi nghĩ mọi người cũng hiểu rằng GIC vừa thực hiện một đợt bán cổ phiếu của Masan cách đây một tháng rưỡi. Vì vậy, môi trường thanh khoản ở Việt Nam đang được cải thiện”, vị tổng giám đốc chia sẻ thêm.

“Tôi nghĩ mọi người đều biết, như tôi đã đề cập, với việc chứng khoán Việt Nam có khả năng đạt được trạng thái thị trường mới nổi, tôi nghĩ có lẽ việc SK chờ đợi cho đến khi có thêm dòng vốn chảy vào là điều thận trọng. 

Và chúng tôi thực hiện việc này trong một khoảng thời gian cho phép họ tái cân bằng danh mục đầu tư hoặc thoát vốn hoàn toàn, nhưng với sự phối hợp của chúng tôi và với mục tiêu bảo vệ giá cổ phiếu của tập đoàn và tất cả các cổ đông của Masan đều được hưởng lợi từ điều đó”, ông Danny Le nhấn mạnh.

Theo báo cáo quản trị, tại ngày 31/12/2023, SK Group thông qua SK Investment Vina I Pte đang nắm 9,26% cổ phần Masan Group. Với tỷ lệ này, SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Tháng 11/2018, cổ đông ngoại này rót vốn vào Masan Group (giá bình quân 100.000 đồng/cp) có điều khoản thoái vốn với số tiền gốc 470 triệu USD thông qua quyền chọn bán. Không chỉ đầu tư vào Masan, SK Group còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào The CrownX.

Giữa tháng 9 năm ngoái, tờ The Korea Economic Daily đưa tin, nhóm cổ đông Hàn Quốc có khả năng thoái vốn sau 5 năm rót tiền vào Masan Group. Thời điểm đó, Masan khẳng định “đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại Masan Group, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp”.

SK Group là tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc xét theo doanh thu. Một nguồn tin của kedglobal.com trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư cho biết: “SK hiện không gặp khó khăn về tài chính. Tập đoàn này chỉ muốn chuẩn bị trước nguồn vốn để sẵn sàng ứng phó khi điều kiện kinh tế xấu đi”.

Kể từ khi ra mắt năm 2018, công ty đầu tư SK South East Asia Investment có trụ sở tại Singapore đã đi tiên phong trong hoạt động đầu tư của SK Group ở nhiều ngành trên khắp khu vực Đông Nam Á.

5 công ty liên quan tới SK Group đã góp tổng cộng 1 tỷ USD cho công ty đầu tư nói trên. SK South East Asia Investment cùng với quỹ hưu trí nhà nước Hàn Quốc đã chi khoảng 2,34 tỷ USD để mua cổ phần trong 7 doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia.

Trong khi đó, một cổ đông lớn của Masan Group là Chính phủ Singapore (GIC) cũng có động thái bán 545.800 cổ phiếu MSN trong ngày 19/3, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Sau giao dịch, GIC chỉ còn sở hữu 71,2 triệu cổ phiếu MSN (tương đương 4,98% vốn) và chính thức không còn là cổ đông lớn của Masan Group. 

GIC vào Masan Group từ năm 2016 - sớm hơn SK, và từng có thời điểm giữa năm 2020 sở hữu đến 13,03% vốn của Masan. Tuy nhiên, ngay cuối năm đó, đơn vị này đã bắt đầu thoái vốn khỏi công ty của ông Nguyễn Đăng Quang.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Masan Group, năm ngoái, doanh nghiệp đạt doanh thu 78.252 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 60% chỉ đạt 1.870 tỷ đồng.

Năm nay, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận nằm trong khoảng 2.290 tỷ đồng và 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.

Theo nhà phân tích tại Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một điểm sáng của Masan là áp lực tài chính sẽ giảm đáng kể từ 2024. Cuối quý IV/2023, nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới của Masan là 8.963 tỷ đồng (giảm 62%) và chiếm 21,6% tổng dư nợ dài hạn.

Cuối năm ngoái, Masan Group cũng cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023. Năm, tổng mức đáo hạn trái phiếu theo tính toán của giới phân tích rơi vào mức 6.000 tỷ đồng, với dòng tiền cải thiện cùng với lượng tiền lớn lên đến 250 triệu USD từ thương vụ gần đây với Bain Capital giúp vấn đề thanh khoản không còn là nỗi lo trong thời gian tới với tập đoàn này.

Đức Huy