|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Shein, Temu và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gấp rút hành động để tiếp tục bán hàng cho người Mỹ

19:43 | 14/02/2025
Chia sẻ
Shein, Temu và các nhà cung cấp đang nhanh chóng ​chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc​ trước khi chính quyền ông Trump chấm dứt một miễn trừ thương mại phổ biến.

 

Giao diện ứng dụng mua sắm Temu. (Ảnh: Zuma Press).

Trong những năm gần đây, một miễn trừ thương mại phổ biến của chính phủ Mỹ đã giúp các nền tảng cung ứng hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc như Shein và Temu lớn nhanh như thổi.

Song, một động thái hồi tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rung chuyển ngành thương mại điện tử Trung Quốc, gây chấn động các nền tảng và nhà cung ứng của họ.

Xáo trộn bắt đầu vào đầu tháng 2, khi ông Trump ký sắc lệnh áp thuế bổ sung 10% lên hàng hoá Trung Quốc. Một điều khoản trong sắc lệnh yêu cầu loại bỏ miễn trừ thương mại “de minimis”.

Miễn trừ thương mại nói trên cho phép các nền tảng như Shein và Temu vận chuyển những gói hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế cũng như kiểm tra hải quan.

Tuy nhiên, vào tuần trước, ông Trump đã tạm dừng kế hoạch chấm dứt miễn trừ de minimis đối với các lô hàng Trung Quốc cho đến khi giới chức Mỹ có thể thiết lập một hệ thống để tiến hành kiểm tra hải quan và đánh thuế chúng.

Mặc dù ông Trump đã tạm dừng tay, các nhà quan sát vẫn dự đoán những gián đoạn tiếp theo có thể làm đảo lộn hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giờ đây, các nền tảng thương mại giá rẻ Trung Quốc đang nỗ lực hành động để chuẩn bị cho khả năng không còn được hưởng miễn trừ de minimis.

Theo Wall Street Journal, công ty thời trang nhanh Shein phản ứng bằng cách khuyến khích các nhà cung ứng xây dựng nhà máy tại Việt Nam và cung cấp cho đối tác nhiều ưu đãi mới.

Trong khi đó, Temu đã quyết định nâng giá bán hàng trên website và tiếp tục thúc giục các nhà cung ứng tăng cường trữ hàng tồn kho tại Mỹ, thị trường lớn nhất của công ty này.

Và giữa lúc đó, một số nhà cung ứng tại Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ kinh doanh với các nền tảng.

Hàng giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt đến Mỹ

Năm ngoái, các doanh nghiệp đã gửi 46 tỷ USD gói hàng nhỏ theo diện miễn trừ de minimis từ Trung Quốc đến Mỹ, chiếm 11% lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà cơ quan hải quan Mỹ ghi nhận, theo các nhà kinh tế Nomura.

Một báo cáo năm 2023 của một ủy ban Hạ viện Mỹ cho biết Shein và Temu chiếm hơn 30% tổng số bưu kiện được vận chuyển đến nước này mỗi ngày theo điều khoản de minimis.

Theo nhận định của hãng phân tích Baird Equity Research, chính quyền ông Trump không nhắm mục tiêu vào các lô hàng de minimis từ những quốc gia khác, vốn chỉ chiếm 25% hoạt động thương mại theo điều khoản này.

Miễn trừ de minimis có từ năm 1930 với mục đích ban đầu là giúp du khách Mỹ mang quà lưu niệm từ nước ngoài về quê nhà. Mức độ sử dụng miễn trừ này đã tăng vọt trong những năm gần đây, khi hàng hoá từ Shein, Temu và những nền tảng khác ồ ạt đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nếu không có de minimis, hàng hoá từ các nền tảng Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế lên tới 60% cùng những khoản phí hải quan bổ sung. Điều đó sẽ làm giảm lợi nhuận hoặc doanh số bán hàng của các công ty đó nếu họ tăng giá bán đề bù đắp thuế quan cao hơn, các chuyên gia nhận định.

Các gói hàng còn có thể phải trải qua quá trình thông quan kéo dài tại hải quan Mỹ, dẫn đến chi phí vận hành cao hơn. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Amit Khandelwal thuộc Đại học Yale, chi phí trung bình hàng năm cho mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tăng khoảng 136 USD trong kịch bản đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua một sắc lệnh về thuế quan. (Ảnh: Reuters).

Các nền tảng Trung Quốc khẩn trương hành động

Tuần trước, Shein đã mở cuộc họp với một số nhà cung ứng hàng đầu. Phía Shein hứa hẹn sẽ cung cấp các khoản vay không tính lãi và tăng số lượng đơn đặt hàng với các nhà cung ứng nếu họ đồng ý sản xuất tại Việt Nam, nguồn tin của Wall Street Journal cho hay.

Shein còn đề nghị hỗ trợ về nguyên liệu thô và logistics, chẳng hạn như vận chuyển vải từ Trung Quốc sang Việt Nam, và hỗ trợ tuyển dụng công nhân địa phương.

Cũng theo nguồn tin, công ty thời trang giá rẻ Trung Quốc còn khuyến khích các nhà cung ứng đăng ký là các thực thể địa phương độc lập hoặc thông qua một thực thể Hong Kong để tránh rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

Sự thay đổi đột ngột của Mỹ đã thúc đẩy Shein đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Trong hai năm qua, công ty đã thành lập cơ sở sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil và gần đây vừa bắt đầu hợp tác với một đối tác ở Ấn Độ để tìm nguồn cung ứng và sản xuất tại đó.

Shein cũng xây dựng cơ sở hạ tầng logistics và trung tâm phân phối tại Mỹ cùng những nơi khác. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Shein có kế hoạch sớm mở một nhà kho tại Long An, Việt Nam.

Một nhà cung ứng hàng may mặc của Shein tiết lộ họ đang cân nhắc một số địa điểm cho nhà máy mới ở miền nam Việt Nam, có thể gần Vũng Tàu. Nhà kho ở Long An được cho là sẽ tiếp nhận hàng hoá từ Trung Quốc đến Vũng Tàu.

Một số nhà cung ứng hàng may mặc của Shein cân nhắc chuyển đến Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Wall Street Journal).

Các nhà cung ứng nhỏ hơn không có khả năng chuyển sản xuất ra nước ngoài đang chời đợi và quan sát tình hình.

Trong một cuộc trao đổi với Wall Street Journal, ông Wei Gangbing, một chủ nhà máy may tại Quảng Châu, cho biết Temu đã tăng giá bán lẻ một số sản phẩm quần áo mà công ty ông đang bán trên nền tảng này từ 10 lên 12 USD.

Ông Wei quyết định tạm dừng sản xuất cho đến khi hoạt động thương mại được nối lại và chính sách của Mỹ trở nên rõ ràng hơn.

Nhà phân tích Vinci Zhang của hãng nghiên cứu M Science cho biết sản phẩm may mặc cùng các hàng hoá khác bán trên Shein và Temu rẻ hơn từ 15 đến 35% so với những đối thủ cạnh tranh tại Mỹ.

Nhóm nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics ước tính giá của các sản phẩm được hưởng miễn trừ de minimis sẽ tăng khoảng 25% nếu chương trình này kết thúc.

Các nhà cung cấp và người bán trên Shein và Temu đang phải vật lộn với biên lợi nhuận khoảng 10%, thấp hơn con số 15 đến 20% trên Amazon.com. “Họ không còn dư địa để cắt giảm biên lợi nhuận hơn nữa”, nhà phân tích Zhang nhấn mạnh.

Liu Dandan, một chủ nhà máy may mặc khác tại Quảng Châu, cho biết gần đây bà đã quyết định ngừng cung cấp cho Temu và Shein vì biên lợi nhuận mỏng và nguy cơ phải ôm nhiều hàng tồn kho không bán được. “Nhiều nhà máy tôi biết đang cân nhắc động thái tương tự”, bà chủ Liu nói.

Để tránh mất những nhà cung cấp như bà Liu, trong tuần qua, Temu đã bắt đầu đề xuất giá bán buôn cao hơn để mua hết hàng tồn kho của họ. Temu cũng có kế hoạch tạm thời tung ra nhiều chiết khấu và phiếu giảm giá cho người tiêu dùng Mỹ để giữ chân họ trên nền tảng.

Sàn thương mại điện tử do PDD Holdings vận hành đã dành cả năm qua để tiếp nhận người bán cho một chương trình mới. Ý tưởng của chương trình là người bán sẽ lưu trữ hàng tồn kho tại các thị trường địa phương để giao cho người tiêu dùng địa phương.

Chương trình nói trên ra đời một phần là để phòng ngừa rủi ro Temu không được hưởng miễn trừ de minimis và chính quyền ông Trump áp thuế cao hơn lên hàng hoá Trung Quốc.

Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, hơn 33% đơn hàng của Temu tại Mỹ được thực hiện bởi những người bán có hàng tồn kho tại Mỹ, chứ không phải thông qua điều khoản de minimis.

 

Yên Khê