Sếp MWG nói lý do bán hàng triệu cổ phiếu: Mang tiền về mua nhà cho vợ
Trong cuộc họp nhà đầu tư chủ đề tổng kết kết quả kinh doanh quý IV/2023 và định hướng kinh doanh 2024 do Đầu tư Thế Giới Di Động vừa tổ chức, có nhà đầu tư đưa câu hỏi thắc về động thái bán cổ phiếu của ông Robert Alan Willett, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) không điều hành, và liệu có phải ông sắp từ nhiệm.
Theo thông tin đăng ký giao dịch, ông Robert Alan Willett muốn bán 1,2 triệu cổ phiếu MWG. Nếu hoàn tất, ông vị lãnh đạo sẽ giảm số cổ phần nắm giữ từ 8 triệu xuống 6,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,466% vốn. Mục đích nhằm nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian dự kiến từ 27/2 đến 27/3. Tạm chiếu theo giá 46.200 đồng/cp kết phiên 29/2, ông có thể thu về số tiền khoảng 55 tỷ đồng.
Trước câu hỏi này, ông Robert Alan Willett khẳng định không có ý định rời khỏi tập đoàn. Ông cho biết từng tâm sự với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài về việc sẽ ở lại đây thêm 5 năm nữa nếu có thể.
"Còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tư Thế Giới Di Động là một doanh nghiệp tuyệt vời. Việc tôi bán cổ phiếu nhằm mua một căn nhà mới cho vợ tôi vì sức khỏe bà ấy không tốt. Nếu không như vậy, tôi sẽ không bán bất kỳ cổ phiếu MWG nào", ông Robert Alan Willett chia sẻ. Ông còn cho biết nếu ai có nhu cầu bán lại cổ phiếu MWG hãy liên hệ với ông, ông sẽ mua lại.
Ông Robert Willett sinh năm 1946 có quốc tịch Anh, trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, tham gia vào HĐQT MWG từ tháng 4/2013. Lượng cổ phiếu nắm giữ có một phần là được nhận về từ hoạt động thưởng cổ phiếu hay phát hành ESOP với giá ưu đãi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, năm 2023, Ông Robert nhận hơn 2,25 tỷ đồng thù lao - cao nhất trong dàn lãnh đạo cấp cao (gấp 10 lần nếu so với của ông Nguyễn Đức Tài là 230 triệu đồng).
Tại cuộc họp, lãnh đạo người nước ngoài chia sẻ khá thường xuyên đến Việt Nam để gặp gỡ mọi người tại tập đoàn, một năm khoảng 6 lần. Ông thường trao đổi với Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và đội ngũ để chỉ ra đâu là những công việc cần tăng tiến độ, cần vượt lên.
Vai trò của ông là tìm kiếm những lĩnh vực tăng trưởng, những cơ hội tăng trưởng mới. Hiện ông cùng đội ngũ đang xem xét phát triển những ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp. Về thực phẩm tươi, ông tập trung vào back-office, vì theo ông các mối quan hệ mới tạo ra nhiều giá trị nhất, làm sao để kết nối với nông dân cung cấp hàng hóa, với khách hàng. Ông cũng nghiên cứu tại các mảng khác như AVAKids, điện thoại...
Theo ông đánh giá, hiện các lãnh đạo Đầu tư Thế Giới Di Động đang làm tốt công việc, nên ông dành nhiều thời gian theo hướng HĐQT yêu cầu và cần hỗ trợ. Về mặt tuân thủ quy định, ông cũng tham gia nhiều ủy ban, kỳ vọng lãnh đạo tập đoàn luôn làm tốt hơn, đặc biệt là yêu cầu về pháp lý.
Nói về thách thức, ông Robert chỉ ra khó khăn trong kinh doanh là có khi thị trường hiện đang không khả quan. Đà hồi phục là chắc chắn song không thể nhanh chóng. Tín hiệu khởi sắc có thể đến về cuối năm nay.
Năm 2024, Đầu tư Thế Giới Di Động đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023. Ban lãnh đạo nhận định năm nay nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu.
Tập đoàn lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đối, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.
Theo dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Đối với các chuỗi đang kinh doanh, Đầu tư Thế Giới Di Động cho hay có thể giảm số lượng điểm bán nếu không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tăng chất lượng phục vụ bằng cách tập trung nâng cao năng suất nhân viên, đầu tư hàng hóa đa dạng, triển khai các chương trình khuyến mãi.