|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sếp MWG lý giải trước việc hàng tồn kho tăng mạnh, doanh thu giảm tốc so với cùng kỳ

09:38 | 12/05/2021
Chia sẻ
Kết thúc quý I, hàng tồn kho MWG tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước từ 19.422 tỷ lên 23.253 tỷ đồng, tức tăng hơn 3.800 tỷ đồng.
Sếp MWG lên tiếng trước việc hàng tồn kho tăng mạnh trong khi doanh thu giảm tốc so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. (Ảnh: MWG).

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 được CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) công bố, ghi nhận những thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu tài sản. Tổng tài sản cuối kỳ đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3.855 tỷ so với thời điểm đầu năm, mức tăng chủ yếu do hàng tồn kho tăng.

Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đã tăng từ 19.422 tỷ đồng lên 23.253 tỷ đồng. Đáng kể nhất là sản phẩm điện thoại di động tồn kho hơn 5.639 tỷ đồng, tăng so với 3.509 tỷ đồng đầu năm; thiết bị điện tử tăng 1.350 tỷ đồng lên 8.385 tỷ đồng.

Tăng mạnh hàng tồn kho khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của MWG trong quý I/2021 âm 1.859 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm năm ngoái dương 3.829 tỷ đồng. Song công ty vẫn giữ hơn 14.827 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn.

Tăng mạnh hàng tồn kho để đối phó với tình trạng thiếu chip

Để làm rõ hơn về những thay đổi đáng kể trong cơ cấu tài sản cuối quý I, tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đã giải thích về vấn đề này.

Lãnh đạo MWG cho biết tình trạng thiếu chip bán dẫn trên thế giới là nguyên nhân MWG đã dự phòng tăng hàng tồn kho trong quý I năm nay so với năm ngoái.

"Đối với MWG thì điều này chưa có tác động gì trong ngắn hạn. Trong tương lai kéo dài bao lâu thì ít nhiều cũng có tác động đến tình hình kinh doanh của MWG. Trong quý I hàng tồn kho tăng và sắp tới cũng tăng thêm chút nữa vì chúng tôi thấy được vấn đề này và đang chuẩn bị hàng cho việc này", ông Hiểu Em chia sẻ.

Sếp MWG lên tiếng trước việc hàng tồn kho tăng mạnh trong khi doanh thu giảm tốc so với cùng kỳ - Ảnh 2.

MWG đang trữ hàng tồn kho, điện thoại và điện máy. (Nguồn: MWG).

Người đứng đầu chuỗi TGDĐ nói thêm, trong quý I vừa qua ngành hàng điện tử có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân chính là do nhóm sản phẩm tivi giảm doanh số vì phụ thuộc khá nhiều vào lễ tết hay các sự kiện bóng đá.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các sự kiện bóng đá đã bị huỷ là nguyên nhân khiến mặt hàng tivi trong quý I gần như không có tăng trưởng, thậm chí giảm. Song ông Hiểu Em kỳ vọng thời gian tới, khi các sự kiện thể thao được tái khởi động sẽ giúp mảng tivi tăng trưởng trở lại.

Hiện trong cơ cấu doanh thu của ĐMX, 30% doanh thu đến từ điện lạnh; điện thoại và laptop chiếm khoảng 25%, điện tử 25%, gia dụng 15% còn lại là các loại hàng khác.

Năm 2021, MWG đặt ra mục tiêu về doanh số của TGDĐ và ĐMX là 93.000 tỷ đồng trong tổng số 125.000 tỷ đồng kế hoạch toàn tập đoàn, tức tăng 7% so với năm 2020.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, chuỗi TGDĐ và ĐMX đạt khoảng 32.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương 35% kế hoạch cả năm.

Lãnh đạo MWG cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó có thể dự báo chuyện kinh doanh sắp tới sẽ như thế nào nhưng sẽ cố gắng bám đuổi để đạt được mục tiêu 93.000 tỷ ban đầu.

Tăng trưởng doanh thu giảm tốc so với cùng kỳ

Quý I/2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 30.827 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.337 tỷ, tăng tương ứng 5% và 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quý I/2020, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của MWG lần lượt ở mức 17% và 9%.

Giải thích cho việc doanh thu tăng chậm hơn so với cùng thời điểm năm ngoái, đại diện MWG cho biết là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

"Đợt bùng phát dịch nghiêm trọng đầu tiên ở Việt Nam diễn ra vào tháng 3, tức là chúng tôi đã có một mùa kinh doanh trọn vẹn quý I/2020. Ngoài ra, do đợt giãn cách xã hội đầu tiên người dân ở thời điểm đó chưa có kinh nghiệm đã dẫn tới hiện tượng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm nhiều nên doanh thu hàng bách hoá có hiện tượng tăng đột biến", đại diện MWG nói về nguyên nhân doanh thu tăng mạnh trong quý I/2020.

Song, quý I năm nay, Việt Nam có đợt bùng dịch thứ ba với số ca nhiễm rất cao vào cuối tháng 1 ngay trước Tết, dẫn đến việc gần 100 cửa hàng TGDĐ và ĐMX nằm trong các khu vực bị phong toả hoặc dãn cách xã hội nên phải đóng cửa hoặc hạn chế số lượng khách hàng phục vụ. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của MWG trong mùa Tết.

Ngoài ra, theo MWG, mặc dù doanh thu không tăng mạnh nhưng công ty vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế với mức tăng trong quý I là 18% so với cùng kỳ. "Trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi, công ty không bằng mọi giá kích cầu doanh thu mà ưu tiên bảo vệ lợi nhuận", đại diện MWG khẳng định.

Đóng cửa phân nửa cửa hàng tại Campuchia

CEO TGDĐ cho biết nửa cuối năm ngoái, Bluetronics - mô hình ĐMX ở Campuchia, đã mở được 50 cửa hàng và công ty chưa có kế hoạch mở thêm, bởi Bluetronics cũng là siêu thị điện máy có số lượng nhiều nhất tại đây.

"Sau Tết, tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn thành ra chúng tôi không có ý định mở thêm mà cố gắng duy trì. Song tình hình dịch bệnh tác động khá lớn đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở đây, buộc đóng cửa 22 cửa hàng tại Phnom Penh", ông Hiểu Em cho hay.

22 cửa hàng này chiếm khoảng 60% - 70% doanh số của MWG tại Campuchia. Song theo chia sẻ từ MWG, điều này đã mở ra cơ hội mới cho công ty khi mảng kinh doanh online lại có chiều hướng tốt lên. Cụ thể, trong vòng 10 ngày qua, từ con số 0 tại Campuchia, MWG đã bán được khoảng gần 20.000 USD hàng hoá.

Doanh số hiện tại của MWG tại Campuchia trung bình một cửa hàng tầm 600 - 700 triệu đồng/tháng, so với mục tiêu 900 triệu - 1 tỷ mỗi shop thì MWG đang giảm 30%.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, các cửa hàng Bluetronics mang về 5,3 triệu USD, tức khoảng 120 tỷ đồng. So với mục tiêu 24 triệu USD doanh thu trong năm 2021, doanh nghiệp thực hiện được 22%.

Biên lãi gộp các cửa hàng Bluetronics tương đương so với tại Việt Nam, khoảng 22%. Song do đang trong giai đoạn đầu nên mô hình này vẫn đang phải chịu lỗ. EBITDA trên mỗi cửa hàng cũng đang lỗ, theo chia sẻ từ MWG.

Ông Hiểu Em tự tin sau dịch, việc vực dậy doanh số từ 600 - 700 triệu đồng hiện tại lên 900 triệu - 1 tỷ đồng là điều MWG có thể làm được.

Thiên Trường