Sếp lớn Samsung đích thân sang Mỹ hỏi mua chip nhưng bị từ chối thẳng thừng
Ông Tae Moon Roh, Chủ tịch và Giám đốc mảng thiết bị di động của Samsung đã có hai chuyến đi trong năm nay để gặp gỡ các nhà sản xuất linh kiện lớn của Mỹ nhằm mua thêm nguồn cung bộ vi xử lý ứng dụng cần thiết trong sản xuất điện thoại thông minh, theo TheElec.
Ông yêu cầu các đối tác lớn cung cấp cho Samsung nhiều bộ xử lý ứng dụng hơn nhưng đã bị từ chối, theo một số nguồn tin. Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào tháng 3 và một chuyến khác trong tháng 7. Ở chuyến đi gần nhất, ông Roh đã đến thăm một nhà sản xuất bộ xử lý ứng dụng toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Roh cũng yêu cầu cung cấp thêm chip nhưng bị từ chối hoàn toàn.
Nhà sản xuất bộ xử lý ứng dụng toàn cầu đã chia sẻ với chủ tịch Samsung rằng họ cũng muốn tăng nguồn cung tổng thể, nhưng không thể tăng nguồn cung cho riêng gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.
Trong chuyến công tác, ông Roh được tháp tùng bởi một Phó Chủ tịch giám sát việc mua linh kiện của tập đoàn. Các nguồn tin cho biết, Chủ tịch Samsung cũng đã "nghiêm khắc" kỷ luật một Phó Chủ tịch cấp cao, người đứng đầu mảng mua linh kiện tại Samsung Mobile.
Một phát ngôn viên của Samsung cho biết các chuyến đi của lãnh đạo Samsung Mobile cũng thu lại được một số kết quả, qua đó giúp công ty có thể đảm bảo số lượng hàng nhất định.
Tuy nhiên, việc ông Roh không đảm bảo được nguồn cung chip cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu hiện nay. Lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thiếu hụt chip trong quý III. Các chuyên gia dự đoán tình hình sẽ chưa được cải thiện trong quý IV.
Các nguồn tin cho biết thất bại của Roh trong việc tìm mua chip cũng chỉ ra sức mua suy yếu của Samsung Mobile trong chuỗi cung ứng điện thoại thông minh toàn cầu.
Những khách hàng quan trọng thường nhận được nguồn cung sớm nhất nhưng Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, đã bị từ chối một cách bất thường.
Ngoài ra, các nguồn tin chia sẻ thêm rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Samsung vào các nhà sản xuất thiết kế ở Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến vị thế của hãng suy yếu, vì các công ty này tự mua linh kiện, làm giảm tổng số lượng mua linh kiện của công ty Hàn Quốc.
Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện chiếm tới 20% sản lượng điện thoại của Samsung. Wingtech, một đơn vị của Trung Quốc đã sản xuất Galaxy A6S vào năm 2018 và Galaxy A01 vào năm 2019. Công ty đang có kế hoạch sản xuất Galaxy M02 trong năm nay. Một nhà sản xuất khác, Huaqin, sẽ sản xuất Galaxy A02. Samsung bắt đầu thuê ngoài mảng sản xuất khi ông Roh trở thành chủ tịch.
Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã khiến Samsung phải giảm sản lượng điện thoại thông minh so với kế hoạch ban đầu. Apple đang thống trị trong phân khúc với các dòng flagship (sản phẩm chủ chốt của hãng), trong khi dòng Galaxy S của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc một lần nữa được dự kiến sẽ bán dưới 30 triệu chiếc trong năm nay.
Samsung cũng không có kế hoạch ra mắt dòng Galaxy Note trong năm 2021. Các mẫu điện thoại có thể gập lại như Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3, đang được thị trường đón nhận tích cực nhưng dự kiến chỉ có 7 triệu chiếc được bán.
Samsung dự kiến sẽ xuất xưởng 260 triệu chiếc trong tổng số 270 triệu chiếc điện thoại thông minh được sản xuất trong năm nay, giảm so với dự tính trước đó (dao động trong mức 290 triệu – 300 triệu chiếc), do tình trạng thiếu chip và việc ngừng sản xuất tại Việt Nam vì đại dịch COVID-19.