|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ ra sao nếu tiếp tục trễ tiến độ nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

18:53 | 19/03/2019
Chia sẻ
Nói về nguy cơ gì xảy ra nếu tiếp tục trễ tiến độ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, theo Chủ tịch ACV, năng lực hiện nay của sân bay này chỉ được 260.000 – 270.000 lượt cất hạ cánh/năm, trong khi năm 2019 dự báo lên khoảng 250.000 lượt cất hạ cánh. Đến mức đụng trần thì không thêm được nữa và sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?" do Báo Giao thông tổ chức chiều nay (ngày 19/3), độc giả đặt câu hỏi: Với tình hình khai thác tại Tân Sơn Nhất như hiện nay có những nguy cơ gì xảy ra nếu tiếp tục trễ tiến độ nhà ga T3?

Sẽ ra sao nếu tiếp tục trễ tiến độ nhà ga T3 Tân Sơn Nhất? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?" do Báo Giao thông tổ chức chiều nay. (Ảnh: Báo Giao thông)

Trả lời câu hỏi này, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận định, ta không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và thị trường sẽ phải "đóng băng" ở mức đáp ứng được. Đến một giai đoạn nhất định thì sẽ không được phép tăng lên nữa vì liên quan đến yếu tố an toàn. Nhà ga có thể chật chội, chen chúc vì nhu cầu thị trường, nhưng an toàn là "bất di bất dịch".

Ông nói, nhiều ý kiến bàn luận về nhà ga T3 nhưng chưa nói đến việc sửa đường băng mà suốt thời gian qua báo chí nêu. Đồng thời phải thực hiện theo quy hoạch đường lăn song song, nếu xây nhà ga mà không có đường lăn song song thì cũng không sử dụng được vì Cục Hàng không không được phép cấp phép bay quá 270.000 lượt cất hạ cánh/năm…

Năng lực hiện nay của Tân Sơn Nhất chỉ được 260.000 – 270.000 lượt cất hạ cánh/năm, trong khi năm 2019 dự báo lên khoảng 250.000 lượt cất hạ cánh. Đến mức nào đó đụng trần thì không thêm được nữa, đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch ACV phân tích.

Đánh giá về tính cấp bách của việc mở rộng nhà ga T3, sân bay Tân Sân Nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ thông tin, theo đánh giá của Hiệp hội hàng không thế giới, hàng không của Việt Nam phát triển nhanh cả về vận tải hành khách và hàng hoá. Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt trên 100 triệu, tăng gàn 13%; sản lượng hàng hoá đạt 1,5 triệu tấn, tăng gần 8%.

Việt Nam đang có 22 cảng hàng không, 5 hãng hàng không, ngoài ra có 68 hãng hàng không nước ngoài bay đến Việt Nam. Thị trường hàng không phát triển như vậy, kết cấu hạ tầng cũng phải đáp ứng theo. Giai đoạn 2010 - 2018, hệ thống sân bay trong nước được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của lĩnh vực hàng không.

Tuy nhiên ông cũng nêu, lĩnh vực hàng không vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục. Trong số 22 cảng hàng không, hạ tầng thiết yếu đều đáp ứng nhu cầu cơ bản, nhưng chưa đồng đều, có những sân bay hạ tầng rất tốt, nhưng cũng có những sân bay hạ tầng chưa đáp ứng.

Thứ trưởng Bộ GTVT nói cụ thể về sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2015 - 2016, trước sự quá tải ở cả trên trời và mặt đất, cả trong và ngoài sân bay, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo và có những giải pháp cụ thể như đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai làm nhiều cầu vượt và tổ chức lại giao thông để giảm quá tải, ùn tắc; Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ về công tác bàn giao đất đai, điều tiết giao thông để giảm ùn tắc tại CHK Tân Sơn Nhất…

Ông cho biết, dịp Tết vừa qua, có thời điểm, có tới 902 chuyến bay cất hạ cánh/giờ cao điểm. Năm 2018, Tân Sơn Nhất đón 38,3 triệu hành khách, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu. Tân Sơn Nhất hiện có 2 nhà ga T1 và T2, trong đó nhà ga T1 phục vụ khách quốc nội, đã nhiều lần được nâng cấp. Vấn đề đặt ra là phải đầu tư sớm nhà ga T3.

Từ năm 2016, Bộ GTVT đã trình quy hoạch. Sau khi trình đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc xác định vị trí của Tân Sơn Nhất và ảnh hưởng đến TP HCM như thế nào, cân đối với Long Thành ra sao? Chính phủ đã quyết định sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế là 50 triệu hành khách. Muốn vậy, kết cấu hạ tầng phải đầu tư như thế nào mới đáp ứng được?

Thứ nhất, về đường cất hạ cánh, đã khẳng định không làm thêm. Thứ hai, để giải toả nhanh, phải bố trí thêm đường lăn. Cùng đó là các vấn đề về sân đỗ tàu bay, bãi đỗ xe, đường ra vào, hệ thống giao thông tiếp cận… cũng phải đầu tư đồng bộ, đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Thứ trưởng GTVT giải thích vì sao chọn ACV làm dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn NhấtThứ trưởng GTVT giải thích vì sao chọn ACV làm dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất Đầu tư T3 Tân Sơn Nhất: Tổ chức đấu thầu cạnh tranh giữa ACV và FLC?Đầu tư T3 Tân Sơn Nhất: Tổ chức đấu thầu cạnh tranh giữa ACV và FLC? Ngoài FLC, những doanh nghiệp nào đang muốn làm T3 Tân Sơn Nhất?Ngoài FLC, những doanh nghiệp nào đang muốn làm T3 Tân Sơn Nhất?

N. Lê