Sẽ ra sao nếu OPEC+ loại Nga khỏi thoả thuận sản lượng?
Phương án loại Nga khỏi thoả thuận sản lượng dầu thô được đưa lên bàn cân
Một số thành viên OPEC đang tính đến phương án loại Nga khỏi thoả thuận sản lượng dầu thô trong bối cảnh nước này đang bị các nước phương Tây dồn dập tấn công bằng các lệnh trừng phạt, đặc biệt liên quan đến dầu khí, theo Wall Street Journal.
Việc loại Nga khỏi thảo thuận này một phần nào đó có thể “dọn đường” cho Arab Saudi, các tiểu vương quốc Arab và một số quốc gia khác trong khối OPEC có thể bơm nhiều dầu hơn. Đây cũng điều mà Mỹ và EU mong muốn khi trước đó khối này liên tục kêu gọi OPEC tăng sản lượng kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổi, khiến giá dầu vượt 100 USD/thùng.
Nga - một trong 3 quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã thống nhất với OPEC và 9 nước ngoài OPEC khác về việc sẽ tăng sản lượng khai thác dầu hàng tháng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu rằng Nga có đồng ý với đề xuất miễn thực hiện nghĩa vụ trong thoả thuận về sản lượng đã ký hay không.
Tính đến hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy OPEC sẽ tăng sản lượng để bù đắp phần thiếu hụt do Nga để lại. Tuy nhiên, một số thành viên vùng Vịnh đã bắt đầu lên kế hoạch đẩy mạnh công suất khai thác trong vài tháng tới.
13 nước thành viên OPEC và 10 nước nằm ngoài nhóm này dẫn đầu lá Nga dự kiến sẽ họp vào ngày 2/6 (theo giờ địa phương) nhằm thống nhất quyết định về sản lượng cho những tháng sắp tới. Thị trường kỳ vọng nhóm này sẽ tăng khoảng 432.000 thùng/ngày trong thời gian tới và dần đưa về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Mỹ và EU cho rằng thoả thuận này tác dụng chưa đủ lớn dể bình ổn thị trường trong thời gian xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, OPEC+ từ chối yêu cầu này và tiếp tục làm theo kế hoạch mà Nga giữ vai trò chính.
Trong khi đó, Nga không phải là thành viên của OPEC mà chỉ là nước đồng minh kể từ năm 2016. Liên minh OPEC+ đang chiếm tới hơn một nửa sản lượng dầu thô thế giới. Do đó, tầm ảnh hưởng của Nga rất lớn đối với thị trường dầu mỏ thế giới.
Hiện, các thành viên OPEC bao gồm cả các nhóm nước khai thác chủ chốt ở vùng Vịnh, bắt đầu tranh luận việc Nga có nên dừng tham gia tăng sản lượng theo kế hoạch hay không. Sản lượng dầu thô Nga liên tục giảm kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ và dự đoán đà giảm này sẽ còn tiếp diễn.
Một số nguồn tin nội bộ OPEC cho biết nhóm này đã thảo luận về việc loại Nga ra khỏi thoả thuận sản lượng ngay trước khi EU áp lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga. Cho đến khi lệnh trừng phạt chính thức được ban bố, đề tài này càng được bàn bạc kỹ lượng lơn.
Trước đây, OPEC cũng từng miễn trừ một số nước thành viên trong việc thực hiện thoả thuận sản lượng trong đó có Iraq, Libya, Venezuela và Iran.
Trên thực tế, đã nhiều tháng qua, Nga đều không đạt được mục tiêu sản lượng khai thác.
Một thành viên của OPEC nói: “Đến thời điểm này, việc ép Nga hoàn thành mục tiêu sản lượng là vô nghĩa".
"Nếu không có Nga, OPEC+ không còn ý nghĩa gì nữa"
Cho dù OPEC có làm gì đi chăng nữa thì nhiều khả năng nhóm này vẫn sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ đồng minh với Nga chờ đến khi sản lượng khai thác của nước này phục hồi. Ngay cả khi sản lượng của Nga giảm, nước này vẫn đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Arab Saudi.
“Với sự có mặt của Nga, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của OPEC+ trở nên lớn lao hơn”, một quan trong trong nhóm OPEC nói.
Do vậy, một số nước thành viên vẫn tỏ ra lo lắng rằng việc loại Nga ra khỏi thoả thuận sẽ làm suy yếu sức mạnh và sự gắn kết của OPEC+. Nga vẫn duy trì tầm ảnh hưởng trong nhóm này mà không cần phải tham gia vào việc tăng hay giảm sản lượng.
“Nếu không có Nga, OPEC+ không còn ý nghĩa gì nữa”, một thành viên OPEC nói.
Nếu nhóm này có kế hoạch giảm sản lượng khai thác trong tương lai - một quyết định lúc nào cũng khó khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các nước tham gia - Nga sẽ dễ dàng từ chối.
“Điều nguy hiểm của việc cho phép Nga không bị áp hạn mức khai thác là khi OPEC+ buộc phải giảm sản lượng, Nga sẽ không chấp nhận”, một quan chức trong nhóm OPEC nói.
Nga liên tục gây sức ép để OPEC+ kìm chế sản lượng
Trong vài tuần trở lại đây, đại diện của Nga trong cuộc họp nội bộ OPEC+ liên tục gây sức ép trong việc điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu trong bối cảnh giá liên tục tăng, một nguồn tin cho biết. Nếu OPEC nhận thấy nhu cầu dầu giảm xuống, nhóm này sẽ khó tăng sản lượng.
Theo trang Oilprice.com, Ủy ban Kỹ thuật Hỗn hợp (JTC) của OPEC+ mới đây tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm xem xét diễn biến thị trường dầu mỏ toàn cầu trong thời gian qua. Nhóm này tiếp tục hạ dự báo nhu cầu thô lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, OPEC+ hạ dự báo nhu cầu dầu thô năm 2022 khoảng 200.000 thùng/ngày.
Đây được xem là một trong những cơ sở quan trọng để OPEC+ đưa ra quyết định về sản lượng. Sau cuộc họp này là cuộc họp của bộ trưởng năng lượng của các nước thuộc nhóm OPEC+.
Việc OPEC+ liên tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ có thể làm cơ sở để nhóm này chỉ tăng nhẹ sản lượng trong tháng 7.
Theo nguồn tin của Reuters, OPEC+ có thể chỉ nâng nhẹ mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây về việc đẩy mạnh khai thác hơn nữa nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.
Mỹ và các nước khác đã nhiều lần kêu gọi OPEC - cụ thể hơn là Arab Saudi và UAE - tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu thô và giá xăng hiện đang ở mức cao. Nhưng cho đến nay, lời kêu gọi của họ vẫn bị phớt lờ.