|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sẽ không có chuyện giá nhà giảm?

15:06 | 11/06/2020
Chia sẻ
Theo nhận định của một số chuyên gia, giá nhà trên thị trường sơ cấp tại TP HCM sẽ không giảm sau đại dịch nếu các dự án vẫn nằm bất động không thể triển khai. Bởi khi đó, chi phí của mỗi dự án sẽ bị đội lên rất nhiều.

Tại Tọa đàm "Thị trường BĐS sau dịch COVID-19?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 11/6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nhận định thị trường BĐS có độ trễ. Điều này được thể hiện rõ từ lúc dự án khởi động cho đến lúc đi vào vận hành.

Theo Chủ tịch HoREA, khó khăn lớn nhất của thị trường hiện nay chính là khan hiếm dự án mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong các qui định pháp luật hiện hành.

Thống kê từ ngày 10/12/2015 đến cuối năm 2018 cho thấy, có đến 126 dự án nhà ở có quĩ đất tổng hợp bị tắc vì thủ tục đầu tư. Hay có những dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư vẫn vướng qui hoạch 1/500,... Từ đó đến nay, các doanh nghiệp không còn trình xin đầu tư thêm dự án nào.

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân giá nhà không giảm sau đại dịch - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM. (Ảnh chụp màn hình)

"Về bản chất, thị trường BĐS hiện nay không hề xấu, thậm chí có dấu hiệu bật dậy vào tháng 5. Trong tháng 5, lượng dự án đưa ra thị trường tăng gần 6 lần và tỉ lệ tiêu thụ tăng đến 16 lần so với tháng 4.

Điều này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường BĐS rất cao nếu được tháo gỡ thêm các khó khăn về chính sách. 

Ngược lại, nếu không nhanh chóng tháo gỡ, TP HCM có thể phải đối mặt với tình trạng dòng vốn đầu tư chảy về các tỉnh khác, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách", Chủ tịch HoREA cho hay.

Khó chồng khó, giá nhà ra sao?

Về giá bán, ông Châu cho rằng sau đại dịch, giá BĐS không thể xuống. Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp mua đi bán lại, còn giá tại thị trường sơ cấp của nhà phát triển dự án sẽ không thay đổi.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs), thị trường BĐS TP HCM vốn dĩ có qui mô lớn gấp đôi, thậm chí lớn hơn so với Hà Nội.

Tuy nhiên, theo các con số đánh giá trong những năm gần đây, độ nhỉnh về qui mô của TP HCM chỉ hơn Hà Nội khoảng 10- 15%. 

"Thị trường BĐS TP HCM là một thị trường rất tiềm năng nhưng các số liệu không tương xứng.

Chúng tôi thấy có nhiều hơn 100 dự án BĐS tại TP HCM đang gặp vướng mắc. Nhiều dự án không thể triển khai mặc dù đã hoàn thành xong các thủ tục chính. 

Khi các dự án phải nằm lại, đương nhiên giá cả sẽ bị đẩy lên do chi phí bị đội lên rất nhiều. Cho nên, tôi khẳng định không có chuyện giá nhà giảm, cả kể có dịch COVID-19", ông Đính nhấn mạnh.

Về giải pháp, theo Phó Chủ tịch VARs, các cơ quan quản lí phải vào cuộc, đưa ra các cơ chế làm thế nào để tiết giảm chi phí thì giá nhà mới có thể giảm.

Hà Lê

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.