Sẽ hạn chế tuyển sinh các trường có tỉ lệ thất nghiệp cao
|
Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm nóng nghị trường hôm nay (16/11). Câu hỏi về tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay và chất lượng nguồn nhân lực dồn dập gửi tới Bộ trưởng.
Đáp lại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Tôi rất chia sẻ với con số đại biểu đưa ra và rất trăn trở với vấn đề này".
Tuy nhiên, ông cho rằng, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm ngay, kể cả trường đại học danh tiếng Harvard cũng vậy. Bởi các sinh viên sau khi ra trường cần có thời gian để tìm việc, trải nghiệm thực tế. Và nếu ai chưa đáp ứng với nhu cầu công việc cần có thời gian đào tạo lại.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường, chỉ có 80% có việc làm và sẽ có khoảng 60.000 em thất nghiệp. Như vậy, trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Bộ trưởng cho rằng đây là một con số lớn.
Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu tập trung ở những trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày, số sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc với VCCI, các doanh nghiệp để kết nối đào tạo lại các em sinh viên.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ siết chặt chất lượng đầu ra, lâu nay giáo dục mới chỉ quan trọng đầu vào. Tới đây, các trường đại học phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như đã có việc làm. Bộ sẽ hạn chế các trường có sinh viên đầu ra thiếu việc làm, dù đó là các trường tự chủ.
"Tuy nhiên, sinh viên sau khi đào tạo ra xong cũng phải có đầu ra, điều này dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp, chứ Bộ cũng không làm nổi", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội tranh luận, cho rằng tình trạng thất nghiệp nguyên nhân chính là đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Vị đại biểu yêu cầu làm rõ vai trò phối hợp giữa Bộ GDĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực hiện nay.
Đồng tình, đại biểu Phạm Quang Dũng đoàn Nam Định cũng cho rằng, cải cách, nhiều năm cải cách mà chất lượng giáo dục vẫn tệ như vậy, thua cả những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Người sử dụng lao động khẳng định, bây giờ, sinh viên ra trường không viết nổi cái công văn, cái giấy mời. "Chúng tôi phải đào tạo lại 3 - 5 năm sau thì mới tạm được", ông Dũng nói.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận sự phối hợp giữa hai bộ còn hạn chế và hứa sẽ phối hợp tốt hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm.
Ghi nhận câu trả lời của Bộ trưởng, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng Bộ trưởng chưa đưa ra cách giải quyết vấn đề cụ thể và chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với tình trạng thất nghiệp này.