|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SCB kế hoạch không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng

15:50 | 09/04/2019
Chia sẻ
Nhằm tăng vốn tự có và nâng cao năng lực tài chính, SCB dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2018, đồng thời lên kế hoạch phát hành 500 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng để tăng vốn lên 20.231 tỉ đồng.
SCB kế hoạch không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ảnh: SCB).

Phát hành 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đặt mục tiêu tăng vốn thêm 5.000 tỉ đồng lên 20.231 tỉ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Số lượng cổ phiếu dự kiến bán ra là 500 triệu cổ phiếu.

Đối tượng chào bán được SCB xác định gồm các cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0,5% vốn điều lệ. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu được dự kiến thực hiện trong quí II hoặc quí III/2019 sau khi được NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số vốn tăng thêm sẽ được dùng phần lớn vào bổ sung nguồn vốn kinh doanh (4.300 tỉ đồng) và đầu tư vào tài sản cố định, hiện đại hoá công nghệ,…

SCB kế hoạch không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Chi tiết phương án sử dụng nguồn vốn tăng thêm (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ SCB).

Năm 2018, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm 1.705 tỉ đồng trong nhưng trên thực tế vì một số lí do khách quan, SCB chỉ tăng vốn thành công 937 tỉ đồng.

Tiếp tục không chia cổ tức

Cùng với việc tăng vốn, ngân hàng đặt kế hoạch tăng tổng tài sản lên 558.015 (tăng 9,64%); cho vay khách hàng tăng 13% lên 341.138 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 273 tỉ đồng, tăng gần 19,5% so với năm trước, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 250 tỉ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận, SCB dự kiến trình đại hội thông qua việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

SCB xác định mục tiêu hoạt động trong năm 2019 là hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với đề án xử lí nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo chủ trương chung của Chính phủ và NHNN. SCB chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng và cải thiện chất lượng nguồn thu cho ngân hàng.

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 2 thành viên Ban Kiểm soát

Đại hội cổ đông cũng sẽ thực hiện biểu quyết về việc miễn nhiệm ông Chiêm Minh Dũng và ông Tạ Chiêu Trung khỏi HĐQT và bà Phạm Thu Phong, bà Võ Thị Mười khỏi Ban Kiểm soát nhiệm kì 2017 - 2022. Những cá nhân này đã có đơn xi từ nhiệm gửi đến HĐQT.

Theo ĐHCĐ năm 2016, HĐQT ngân hàng sẽ gồm có 7 thành viên trong đó có 1 thành viên động lập và 4 thành viên Ban Kiểm soát. Do vậy, SCB sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 2 thành viên BKS.

SCB kế hoạch không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng - Ảnh 3.

(Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ SCB).

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản SCB đạt 301.892 tỉ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm, đứng thứ 5 trong hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ xếp sau các ngân hàng TMCP quốc doanh. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 229 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2017. Hệ số an toàn vốn tối thiểu đạt 9,69% sát mức qui định của NHNN.

SCB cho biết trong năm 2018 ngân hàng tiếp tục bán nợ cho VAMC và phối hợp để xử lí dứt điểm các khoản nợ xấu. Đến cuối năm số dư trái phiếu VAMC mà SCB nắm giữ là 26.685 tỉ đồng. Trong năm SCB cũng đã thoái thu 938 tỉ đồng để hỗ trợ công tác xử lí nợ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn.

Hiện tại SCB đang sở hữu hai công ty con là Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (sở hữu 81,8% vốn) và Công ty TNHH MTV Quản lí nợ và khai thác Tài sản SCB (100% vốn cổ phần). Lợi nhuận trước thuế của hai công ty này trong năm 2018 lần lượt là 49 tỉ đồng và 3 tỉ đồng.

Diệp Bình

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.