SCB còn hơn 26.600 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, lãi dự thu tăng gần 16% trong năm 2018
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong năm 2018 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB tăng mạnh hơn 126% so với năm trước đạt hơn 2.390 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng mạnh 143% lên 2.162 tỉ đồng nên lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 41% với hơn 176 tỉ đồng.
Chi tiết nguồn lợi nhuận của khách hàng (Nguồn: DB tổng hợp).
Trong đó, thu nhập từ lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng lần lượt 53,7% và 49,2% với 2.907 tỉ đồng và 1.300 tỉ đồng. Trong khi đó hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đều ghi nhận lãi thuần giảm, đặc biệt lãi thuần từ ngoại hối giảm gần 95%.
Lãi dự thu và trái phiếu VAMC tiếp tục tăng cao
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của SCB đạt 508,953 tỉ đồng, tăng 14,6%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,3% với 301.892 tỉ đồng.
Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 6,3% lên 1.266 tỉ đồng, giá trị trái phiếu VAMC tăng gần 12% và duy trì ở mức cao với 26.685 tỉ đồng (đã trích lập dự phòng 4.806 tỉ đồng). Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm nhẹ từ 0,45% xuống 0,42%.
Một số chỉ tiêu tài chính của SCB (Nguồn: DB tổng hợp)
Đáng chú ý, ngân hàng hiện có một lượng lớn lãi và phí dự thu giá trị 48.308 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2017.
Theo đề án tái cơ cấu từ năm 2015 - 2019, NHNN đã phê duyệt cho phép SCB tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành của giai đoạn trước và được ghi nhận lại một số nghiệp vụ trong báo cáo tài chính.
Cụ thể, SCB được cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay thuộc dề án đã được NHNN phê duyệt. Đồng thời tiếp tục cho vay xử lí các khoản lãi dự thu đối với một số dự án đầu tư xây dựng công trình, tiếp tục cho vay hoàn thiện một số dự án dở dang, cho phép trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính.
Trong cơ cấu tài sản bảo đảm của SCB, bất động sản vẫn là tài sản chính, chiếm 72,5% tổng giá trị tài sản. Tỉ lệ cho vay khách hàng/tài sản đảm bảo của ngân hàng là 50,7%.
Chi tiết tài sản bảo đảm của SCB (Nguồn: BCTC SCB)
Đầu tư dài hạn vào một số công ty
SCB cũng thực hiện đầu tư tài chính dài hạn vào một số công ty khác. Cụ thể SCB là cổ đông lớn của các công ty như: CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Hạ Long; CTCP Thông tin Tín dụng Việt Nam (PCB); CTCP Sài Gòn Kim Liên.
Trong năm 2018, SCB đã thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi Quỹ đầu tư Việt Nam (VIF), giá trị đầu tư vào đầu năm là 2,1 tỉ đồng, chiếm 2,49% vốn.
Nguồn: BCTC SCB
Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2018 trong danh mục tài sản có khác của ngân hàng còn một khoản đầu tư được uỷ thác đầu tư cho CTCP Quản lý Quỹ Việt Nam (quản lí và đầu tư vốn theo chiến lược đầu tư). Tại 31/12/2018, danh mục đầu tư gồm: 67.500 cổ phiếu TCB của Techcombank và 32.000 cổ phiếu của CTCP Xây dựng Ricons, tổng giá trị ước tính hơn 5 tỉ đồng.
Nguồn: BCTC SCB