Sau vụ Asanzo, một nhà lắp ráp tivi muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa để tránh thuế nhập khẩu nguyên chiếc
Tại biên bản họp ngày 7/10/2019, HĐQT CTCP Viettronics Tân Bình (Mã: VTB) thông qua kế hoạch triển khai dự án lắp ráp panel dành cho ti vi (TV).
Viettronics Tân Bình tiền thân là một công xưởng sản xuất nhỏ của Sony, thành lập năm 1978. Đến giai đoạn 1994 - 1996, doanh nghiệp này đã thành lập các liên doanh với Sony và JVC tại Việt Nam. Liên doanh với Sony và JVC này lần lượt giải thể vào các năm 2010 và 2013.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, tại Việt Nam hiện nay, việc sản xuất lắp ráp TV (chủ yếu là TV LED) là dựa vào nguồn linh kiện nhập khẩu và vật tư sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, linh kiện nhập khẩu chiếm phần lớn trong cơ cấu giá trị sản phẩm TV, trong đó tấm nền panel hiển thị được lắp ráp hoàn chỉnh khi nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, vào khoảng 70%.
Đối với vật tư sản xuất trong nước thì chỉ dừng lại ở một số linh kiện như thùng carton, sách hướng dẫn, nhãn,…
Phía Viettronics Tân Bình cho rằng việc nhập khẩu tấm nền panel hoàn chỉnh xuất xứ nước ngoài, kết hợp với các linh kiện còn lại như bo mạch chính đã lắp ráp sẵn, loa, vỏ nhựa, dây dẫn, vật tư đóng gói,… để sản xuất thành phẩm dẫn đến không đúng qui định về xuất xứ hàng hóa.
Việc này "dễ dàng bị cơ quan chức năng nhận định là nhập khẩu nguyên chiếc", doanh nghiệp này nhận định.
Những năm trước đây, Viettronics Tân Bình có nhà cung cấp lớn là Shenzen ChuangWei - RBG Electronics Co., Ltd, một thành viên của tập đoàn Skyworth. Ngoài ra, Công ty TNHH Skyworth Việt Nam cũng là một khách hàng lớn của doanh nghiệp này.
Nguồn: Các BCTC hợp nhất kiểm toán của Viettronics Tân Bình
Để tránh nguy cơ bị xem là một nhà nhập khẩu nguyên chiếc, Ban lãnh đạo Công ty mong muốn đầu tư sâu hơn vào một số hạng mục nhằm gia tăng nội địa hóa sản phẩm. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch chủ động lắp ráp panel để hạn chế phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài.
Thuế suất thuế nhập khẩu TV nguyên chiếc là 35%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện chỉ từ 2 - 3%. Đối với Viettronics Tân Bình, Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết khoản tiền chênh lệch giữa việc nhập khẩu theo thuế linh kiện và theo thuế thành phẩm có thể xấp xỉ 30 tỉ đồng mỗi năm, trong giai đoạn 2020 - 2021.
Thậm chí, nếu không thực hiện việc láp ráp panel tại Việt Nam, Viettronics Tân Bình còn khẳng định có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy lắp ráp TV. Điều này là do nếu tính thuế theo dạng thành phẩm thì giá thành sẽ không thể cạnh tranh nổi hàng ngoại nhập.
Ngoài kế hoạch kể trên, phía Viettronics Tân Bình cũng cho biết đã đi đến những bước nghiên cứu khả thi cuối cùng đối với dự án làm TV Sansui và BOE, hay đáng chú ý là TV JVC (JVC rút khỏi thị trường TV từ năm 2011).
Trước đó vào giai đoạn 2014 - 2017, Công ty cũng từng hợp tác sản xuất dòng TV LED Skyworth và TV LED Toshiba. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu thành phẩm từ các nước Đông Nam Á giảm về 0%, việc hợp tác với Toshiba đã dừng lại vào tháng 8/2018.
Dù Skyworth tiếp tục hợp tác với Viettronics Tân Bình, đơn vị này cùng với Toshiba vẫn nhập khẩu từ nhà máy sản xuất TV ở Indonesia vào thị trường Việt Nam.
Điều này khiến doanh thu từ mảng gia công này của Viettronics Tân Bình chỉ đạt khoảng 37% kế hoạch trong năm 2018.
Tính cả 9 tháng đầu năm 2019, chỉ với Skyworth, mảng TV của Viettronics Tân Bình có được hơn 30 tỉ đồng doanh thu, giảm gần 88% so với cùng kì năm trước.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất toàn doanh nghiệp, tính đến hết quí III/2019, Viettronics Tân Bình đạt doanh thu 290,7 tỉ đồng và lãi trước thuế 13,2 tỉ đồng, tương ứng sụt giảm khoảng 30% và 13% so với cùng kì 2018.
Cho cả năm, 380 tỉ đồng là con số doanh thu mà Ban lãnh đạo Công ty dự kiến, chỉ bằng 64% chỉ tiêu kế hoạch được cổ đông thông qua tại đại hội thường niên. Lợi nhuận trước thuế ước khoảng 18,5 tỉ đồng, ứng với 75,5% kế hoạch đã đặt.