Sau vầng hào quang, doanh nhân 'trả giá' không chỉ mồ hôi và nước mắt
Trên các bàn tiệc, họ luôn đĩnh đạc và rạng rỡ. Tiệc tan, họ lịch lãm giành lấy quyền thanh toán. Mỗi khi xã hội có những cảnh khốn cùng hay thiên tai, địch họa, họ lại xuất hiện với bóng dáng của mạnh thường quân. Có lẽ vì vậy, hai chữ “doanh nhân” trở thành giấc mơ, đích đến của không ít bạn trẻ. Kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% tỷ trọng GDP của đất nước, chính thức là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên chỉ khi dấn thân vào cuộc chơi, “đời ông chủ” mới thực sự nếm đủ “hỉ, nộ, ái, ố”.
Cô độc
Thời điểm ban đầu thành lập Công ty, khó khăn chồng chất, đồng sự lần lượt ra đi, cảm giác bị bỏ rơi, một thân đơn độc giữa đống việc, anh Nguyễn Văn Thi, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Số liệu Việt Nam, không khỏi rùng mình khi nhớ lại. Anh kể cho chúng tôi, những ngày tháng gian nan đó. Gánh nặng đặt lên vai, áp lực đến từ các phía, nào là giải quyết đủ loại thủ tục hành chính, đến quản lý nhân sự, rồi tổ chức sản xuất, tìm kiếm khách hàng hay ngược xuôi huy động vốn.
“Ba năm, hơn 1.000 ngày đêm là quãng thời gian nhọc nhằn, nghĩ đến còn thấy sởn da gà. Leo lên ‘lưng hổ’ không thể dừng, vì thế tôi chỉ có thể dồn hết tâm sức vào công việc. Buông bỏ mọi mối quan tâm, thậm chí là trách nhiệm gia đình, từ kinh tế đến chăm sóc con cái, quản lý nhà cửa giao hết vào tay vợ,” anh Thi nói.
Doanh nhân Nguyễn Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Số liệu Việt Nam. (Ảnh: DCV) |
Trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp làm ông chủ, Nguyễn Duy Hải Linh, người sáng lập Trường Popart Hanoi cũng chia sẻ, “hàng ngày, rất nhiều thứ đổ vào đầu ông chủ doanh nghiệp, nếu đầu óc mệt mỏi sẽ không thể làm việc. Các chuyên gia tư tâm lý vẫn khuyên chúng ta, mỗi khi gặp vấn đề khó giải quyết thì cần phải bình tĩnh và phải đi ngủ. Song trên thực tế, tôi có thể cam đoan, không ông chủ nào có thể đi ngủ khi công việc của ngày hôm sau còn bề bộn và các khoản chi đã đến thời hạn trả. Bình tĩnh chỉ có thể ở trên phim thôi!”
Làm một ông chủ thành công, đương nhiên là thú vị! Nhưng trước đó, đời doanh nhân là phải chịu trách nhiệm với mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Mỗi tháng, các “ông chủ” sẽ phải thanh toán tất cả các chi phí, từ lương nhân viên, chi phí văn phòng, chi phí lãi vay, thuế, bảo hiểm, chi phí quan hệ và hàng loạt các loại chi phí không chính thức khác…. Và khi sự nghiệp kinh doanh “thuận buồn xuôi gió,” họ được tung hô. Nhưng chẳng may hoạt động công ty “đi chệch quỹ đạo,” họ thành tội đồ. Tất cả mọi thua lỗ, sai lầm, sai phạm… họ sẽ phải gánh hết, thậm chí chỉ còn mình đơn độc.
Theo điều tra của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) – năm 2016: “ 66% doanh nghiệp thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức. Trong đó, khoảng 25% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài than thở đã phải trả tiền bôi trơn để có giấy phép đầu tư và 13,6% trong số họ khẳng định họ đã trả hoa hồng khi cạnh tranh để có các hợp đồng của cơ quan Nhà nước.
Mục đích lớn nhất khi đưa "hối lộ" được 80% doanh nghiệp trả lời, là nhằm tạo lập mối quan hệ. Các doanh nghiệp cho biết, họ chọn phương án này và coi khoản chi như một hợp đồng bảo hiểm - Một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.” Những con số trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng trong xã hội. Hối lộ trở nên quá phổ biến, đến mức các bên tự “hiểu ý” mà không cần phải trao đổi với nhau. Song chính những điều này làm gia tăng rủi ro của các “ông chủ” trong quá trình kinh doanh.
Người say
Một chuyên gia kinh tế đã ví doanh nhân vốn như những “người say” đeo đuổi sự nghiệp. Nhìn bóng dáng người phụ nữ cao gầy, giản dị, hàng ngày chạy xe máy mấy chục cây số từ Đông Anh vào nội thành, tất bật công việc sớm tối, nhiều người đã lầm tưởng cuộc sống của chị đầy lam lũ. Song khi gặp gỡ và làm việc, tôi mới biết chị là một doanh nhân thành đạt, không chỉ trong công việc mà cả cuộc sống gia đình.
Bàn giao Quy trình xác thực chống hàng giả tại Khóa Việt Tiệp, ngày 23/11. Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+ |
Khá thành công trong lĩnh vực thiết kế thời trang truyền thống, song chị Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (IDE) không dừng ở đó. Chị như “người say” phát cuồng với những ý tưởng kinh doanh và giấc mơ về những sản phẩm có chất lượng và thuần Việt. Để ra được đề tài khoa học “Quy trình xác thực chống hàng giả,” đi vào đời sống đạt hiệu quả và có tương tác cao, chị Lý và các cộng sự đã phải trải qua một quá trình làm việc hết sức vất vả. Chị cho biết, “Quy trình xác thực chống hàng giả” là giải pháp công nghệ này là một quy trình khép kín từ sinh mã bảo mật, in ấn, quản trị hệ thống, quản trị dòng hàng, điều nghiên thị trường, đây là công cụ hữu hiệu giúp phòng ngừa, chống hàng giả, hàng nhái. Quy trình này có chức năng kép, tự chứng minh xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp.
Trên trang mạng cá nhân, chị Lý trải lòng: “Sắp tháng Mười rồi, nhớ quá những tháng ngày gian khó đã qua! Mình viết những dòng ấy khi chỉ có một mình, cảm giác phải tự mình lên những phương án đối mặt với sự phát triển hay dừng lại... Ngày mai, lương của các cộng sự như thế nào đây? Rồi cơm áo, gạo tiền..., rồi đề tài nghiên cứu đang dở đang bế tắc.... xin ý kiến các bậc tiền bối chỉ giáo, chạy đôn đáo ngược xuôi! Bây giờ thì mình càng ngẫm càng thấy đúng một điều: Mọi sự nỗ lực đều được đền đáp!”
Mỗi doanh nhân bước vào sự nghiệp “làm chủ” với các lý do khác nhau, nhưng trên hết những thành công họ có đều bắt nguồn từ những đam mê đến cuồng say. Trở thành bà chủ Bibo Mart với hệ thống 137 cửa hàng trên toàn quốc, Trịnh Lan Phương bắt đầu “giấc mơ” từ nhu cầu của một bà mẹ “bỉm sữa”. Mang bầu đứa con thứ hai, chị Phương chạy đi, chạy lại mua sắm chuẩn bị đồ dùng cho em bé. Rồi ý tưởng nảy sinh, vừa ôm con vừa kinh doanh, chị Phương mở một cửa hàng kinh doanh đồ sơ sinh và trẻ em, với số vốn 130 triệu đồng và một nhân viên, kinh nghiệm thương trường bằng “0”.
Sau 5 năm, chị Phương nhận thấy Bibo Mart chưa lớn mạnh là bởi bản thân chưa thật sự tâm huyết, đặt toàn sức vào điều hành cửa hàng. Mốc thời gian đáng nhớ, thời điểm sinh đứa con thứ ba, chị Phương quyết định giành hết tâm sức vào sự nghiệp “phục vụ trẻ em” mà hơn hết là những đứa con yêu của mình. Thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng, chị Phương mở cửa hàng thứ hai, chú trọng đến xây dựng hình ảnh, đa dạng các loại mặt hàng, giá cả cạnh tranh, phương thức dịch vụ chuyên nghiệp… Lại mất tiếp 5 năm, người phụ nữ này kiên trì chuẩn bị nguồn lực đeo đuổi tham vọng, từ tài chính, nhân sự đến hệ thống công nghệ. Bài bản và tuần tự, tại thời điểm sinh đứa con thứ tư, chị Phương đã đưa Bibo Mart ra biển lớn. Sau khi nhận vốn góp từ Quỹ ACA Investments (Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản,) Bibo Mart đã phát triển cửa hàng ra toàn quốc và đặt mục mở rộng chuỗi 500 cửa hàng vào năm 2019.
Khóa tiền sản dành cho các ông bố bà mẹ tại Bibo Mart. Ảnh: Bibomart |
Khá khiêm tốn và không nói nhiều đến khó khăn, chị Phương chia sẻ, đã kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng có lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, lợi thế của doanh nghiệp Việt là cơ hội hiểu biết thị trường.
“Cả chặng đường đi là quá trình mày mò, chắc chắn không bao giờ bằng phẳng, chuẩn bị càng tốt rủi ro sẽ được giảm thiểu. Động lực tiếp sức cho chúng ta đi tới những mục tiêu, chính là việc gặt hái từng thành quả đạt trong ngắn hạn. Cách đi của tôi là luôn đặt ra những mục tiêu, khởi nghiệp là phải tồn tại, tiếp theo tương ứng với mỗi mục tiêu phải xác định nguồn lực mình cần và nhất thiết phải chuẩn bị được. Không ai có thể đạt mục tiêu lớn mà nguồn lực lại không sẵn sàng,” chị Phương nói.
Theo Báo cáo “Điều tra lao động việc làm - quý 1/12017” của Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm trên toàn quốc là 53,4 triệu người, trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiến trên 85%. Những doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân đang tạo hàng chục triệu việc làm cho người lao động. Hàng ngày, lực lượng lao động này vẫn đang cần mẫn làm ra cải vật chất cho xã hội và chắc chắn một điều, không một ai trong số họ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” có thể tồn tại.
Việt Nam có một ngày tôn vinh giới doanh nhân (13/10), những đóng góp của họ trong phát triển đất nước là không thể phủ nhận. Nhưng đâu đó vẫn còn những định kiến, thỉnh thoảng một vài người cho rằng doanh nhân là “những con buôn”. Tại một thời điểm nào đó, khi người tiêu dùng gặp phải chất lượng cung cấp dịch vụ, sản phẩm không được hài lòng, những lời khiếm nhã như “con buôn làm giáo dục, con buôn làm y tế…” vẫn được vang lên và những lời bình như vậy cũng xuất hiện trên các trang mạng xã hội không ít.
Doanh nhân cũng là một nghề, tích hợp giữa các kiến thức khoa học, văn hóa vào thực tiễn. Phía sau những hào quang của sự giàu có, tiền bạc, nhà, xe, người đẹp, tiệc tùng..., đời doanh nhân đã phải “trả giá” không chỉ là mồ hôi và nước mắt.