Tương lai bấp bênh của các khu công nghiệp Trung Quốc trên đất Mexico
Gần đây, CNN vừa ghé thăm một khu công nghiệp rộng lớn với hàng dãy những cơ sở sản xuất bề thế. Logo và biển hiệu của các nhà máy được phủ sắc đỏ và vàng - những màu may mắn theo truyền thống Trung Quốc - làm bừng sáng những khối nhà xám xịt.
Khu công nghiệp này cách hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc hàng nghìn km, nhưng chỉ cách biên giới Texas (Mỹ) khoảng vài giờ lái xe.
Với biển báo đường phố bằng cả tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha, đây là một trong nhiều “khu công nghiệp Trung Quốc” mọc lên quanh thành phố Monterrey của Mexico thời gian gần đây. Chúng biến đất nông nghiệp thành nhà máy và giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Sự xuất hiện của những khu công nghiệp này bắt nguồn từ xu hướng “nearshoring” nổi lên trong vài năm qua, khi các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất sang Mexico để được tiếp cận thị trường Mỹ thông qua thoả thuận USMCA.
Ông Donald Trump đàm phán thoả thuận USMCA với Mexico và Canada trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Song, ông đang đe doạ sẽ áp thuế hai nước láng giềng Mexico và Canada, bên cạnh nhiều đối tác thương mại khác.
Chỉ một ngày nữa nhà lãnh đạo 78 tuổi sẽ quay trở lại Nhà Trắng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc tại Mexico và những đối tác địa phương đang lên kế hoạch đối phó nếu Mỹ thực sự áp thuế quan.
Ông Matt Harrison, Giám đốc cấp cao của Kuka Home North America (công ty có một cơ sở sản xuất đồ nội thất tại Monterrey), lo ngại tương lại có thể sẽ trở nên rất ảm đạm.
Ông Harrison cho biết: “Nói một cách đơn giản, mức thuế 25% đối với hàng hoá Mexico sẽ khiến chúng tôi phải đóng cửa. Chúng tôi đang chờ xem tình hình khi ông Trump nhậm chức, để biết liệu công ty có thể tiếp tục phát triển hay không”.
Trái ngược với Giám đốc Harrison của Kuka Home, ông César Santos vẫn lạc quan vào triển vọng tương lai. Bản thân ông Santas rất chào đón những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Monterrey.
“Ngay cả khi Mỹ đánh thuế 25% lên hàng hoá Mexico, nhiều công ty vẫn tin rằng đây là lựa chọn tốt hơn so với phương án sản xuất tại Trung Quốc”, vị doanh nhân giải thích.
Một góc khu công nghiệp Hofusan. (Video: CNN).
Dòng vốn Trung Quốc vào Mexico
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Santos hồi tưởng lại cảnh cưỡi ngựa trở về nhà. Trong nhiều thế hệ, khu đất công nghiệp bây giờ từng là một trang trại thuộc về tổ tiên ông.
Giờ đây, ngôi nhà trang trại cũ vẫn còn đó nhưng nhiều công trình mới đang mọc lên xung quanh, từ nhà máy, nhà ở cho đến khách sạn.
Santos và gia đình ông bắt đầu xây dựng trên mảnh đất rộng 1.500 mẫu Anh của họ vào năm 2013. Họ bắt tay với các doanh nhân Trung Quốc muốn xây dựng nhà máy gần với khách hàng Mỹ.
Việc ông Trump áp thuế đối với hàng hoá Trung Quốc vào năm 2018 và Tổng thống Joe Biden giữ lại phần lớn cũng như mở rộng thêm chính sách thương mại của người tiền nhiệm đã thúc đẩy xu hướng nói trên.
“Trên thực tế, thuế quan đã giúp chúng tôi. Khi Mỹ áp thuế vào hàng hoá Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đã tìm đến đây”, ông Santos cho hay.
“Chúng tôi cách Texas chưa đến 260 km. Vì vậy, các sản phẩm sản xuất tại đây sẽ dễ dàng tới Mỹ trong 24 hoặc 44 giờ. Hoạt động logistics này rất quan trọng, nó có lợi cho phía Trung Quốc”, ông nói thêm.
Santos hợp tác với hai công ty Trung Quốc xây dựng và quản lý khu công nghiệp Hofusan vào năm 2015. Hiện tại, Hofusan là nơi sản xuất của khoảng 40 doanh nghiệp Trung Quốc.
Các nhà máy đã, đang và sắp đi vào hoạt động sản xuất mọi thứ từ thiết bị điện tử đến đồ nội thất và phụ tùng ô tô - tất cả đều hướng đến thị trường Mỹ.
Ông Santos và nhiều người dân địa phương đã được hưởng lợi khi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mexico tăng vọt từ 5,5 triệu USD vào năm 2013 lên 570 triệu USD vào năm 2022.
Theo dữ liệu của chính phủ Mexico, trong 6 tháng đầu năm 2024, các công ty Trung Quốc đã rót tổng cộng 235 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp vào quốc gia Bắc Mỹ này.
Và ông Santos vẫn lạc quan về tương lai, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Trump áp thuế quan trừng phạt lên hàng hoá xuất khẩu từ Mexico.
Công trường nơi nhà phát triển Ramiro González đang xây dựng một khu công nghiệp mới. (Video: CNN).
Câu chuyện phức tạp nhưng không mới
Cả người Mexico và người Trung Quốc đều đang nỗ lực vun đắp mối quan hệ để duy trì đà bùng nổ của các khu công nghiệp.
Nhà phát triển Ramiro González từng đến Trung Quốc và được đặt biệt danh “Da Long” (tức rồng lớn). Ông yêu thích cái tên tiếng Hán này đến mức thêu nó lên trên áo vest của mình.
“Văn hoá Trung Quốc coi trọng thời gian. Họ muốn mọi việc đều phải nhanh chóng. Vì vậy, tại Mexico, chúng tôi đang cố gắng tăng tốc độ xây dựng và thiết kế [để đáp ứng kỳ vọng của họ]”, ông González nói.
Máy xúc đất và thiết bị xây dựng kêu bíp bíp xung quanh González khi ông trình bày kế hoạch cho dự án mới nhất - một khu công nghiệp khác nhưng nằm ngoài Monterrey một chút vì bên trong đã chật cứng.
CNN cũng trò chuyện với anh Zhang Jianqiu, một kỹ sư về thiết bị robot đang sống cách xa gia đình nửa vòng Trái đất.
Đóng vai trò là cầu nối giữa các công ty Trung Quốc và cộng đồng người Mexico hiếu khách mà họ đầu tư vào, Zhang có cái nhìn rõ ràng về ý nghĩa của thuế quan đối với triển vọng tăng trưởng của các bên liên quan.
Anh giải thích: “Hầu hết các công ty Trung Quốc vẫn đang chờ đợi và quan sát, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng”. Zhang lưu ý thuế quan là vấn đề rất phức tạp nhưng cũng không có gì mới.
“Đối với các công ty Trung Quốc, nếu họ muốn vươn ra toàn cầu, họ phải đối mặt với những thách thức khác nhau từ các quốc gia khác nhau, không chỉ về thuế quan mà còn về chính sách và quy định của quốc gia sở tại. Nhưng kinh doanh là kinh doanh, chính trị là chính trị”, Zhang bày tỏ.
Và bất chấp mối đe doạ về thuế quan, Zhang, giống như những công nhân Mexico khác mà CNN đã trò chuyện, cho biết anh coi ông Trump là một doanh nhân thành đạt.
Theo đó, ông Trump nhiều khả năng sẽ hành động dựa trên các cân nhắc về tài chính và không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Các nhà kinh tế và CEO doanh nghiệp cảnh báo người tiêu dùng Mỹ mới chính là những người phải trả thuế quan khi doanh nghiệp tăng giá bán nhằm giảm bớt chi phí.
Và, mặc dù về mặt lý thuyết, thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, vẫn có những yếu tố khác như nhu cầu người tiêu dùng và lãi suất khiến các công ty Mỹ khó thành công hơn.
Bị kẹt ở giữa
Ông Horacio Carreón, Phó Giáo sư kinh doanh quốc tế tại trường Tecnológico de Monterrey, đang tập trung vào những tác động lan toả có thể xảy ra khi Mỹ áp đặt thuế quan mới.
Hiện tại, ông đang theo dõi những thông điệp giữa ông Trump, một người không hành động theo khuôn mẫu và Tổng thống Mexico Claudi Sheinbaum, người thích cách tiếp cận học thuật đối với các vấn đề địa chính trị.
Song, vị phó giáo sư nhận thấy đây cuối cùng vẫn là vấn đề giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, với Mexico bị kẹt ở giữa.
“Tình hình giống như một mối tình tay ba thường thấy trong các bộ phim truyền hình dài tập của Mexico và chúng tôi chỉ kẹt ở giữa”, ông nhận xét.
“Những gì chúng ta thấy hiện nay là Mexico đang ở trong một vị thế rất phức tạp vì chúng ta cần phải đánh giá bước tiếp theo là gì. Mexico nên tiếp tục gắn bó với đối tác trọn đời là Mỹ hay nên bắt đầu tìm kiếm những đối tác khác?” ông đặt câu hỏi.
Công nhân làm việc bên trong nhà máy Kuka Home. (Video: CNN).