|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau trang trại nuôi heo ở Việt Nam, công ty lớn của Trung Quốc tiếp tục muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á

12:46 | 30/10/2019
Chia sẻ
Bên trong một trang trại nằm sâu tại một trong những đồn điền cao su ở miền Nam Việt Nam, New Hope Liuhe của Trung Quốc đang bận rộn đưa đàn heo nái con vào trang trại nuôi heo ở nước ngoài đầu tiên của công ty.

Những nỗ lực của New Hope tại Việt Nam cho thấy tốc độ mở rộng đáng kể trên thế giới nhằm tăng doanh thu ở nước ngoài lên 30% trong tổng doanh thu của công ty trong vài năm, ông Bai Xubo, đại diện của công ty cho biết.

Kế hoạch mới gồm mở rộng hoạt động kinh doanh của cơ sở nghiền thức ăn chăn nuôi cốt lõi của công ty trên thị trường quốc tế cùng với việc xây dựng các trang trại gia cầm ở nước ngoài, ông Bai nói thêm. 

Việc gia tăng các trang trại nuôi heo ở Việt Nam có thể rất rủi ro trong bối cảnh sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) đã giết chết một phần năm đàn heo của Việt Nam. 

Tuy nhiên, khoản đầu tư có thể là đúng thời điểm để tận dụng việc những trang trại nuôi heo nhỏ rời ngành vì dịch bệnh. 

Trung Quốc, nhà tiêu thụ đàn heo lớn nhất thế giới, cũng đang đối mặt với sự bùng phát của dịch ASF, đã khiến đàn heo của quốc gia châu Á giảm 41%.

"Bất kì quốc gia nào chịu ảnh hưởng của dịch ASF, dù là Việt Nam hay Trung quốc, là một thị trường đại dương xanh (mở rộng và phát triển thị trường) đối với trang trại nuôi heo", ông Lei Yi, chuyên gia phân tích của China Merchants Securities, cho hay.

Trang trại của New Hope tại tỉnh Bình Phước sẽ có 13.500 con heo vào quí I/2020, sản xuất 300.000 con heo mỗi năm vào 2021, theo Zhang Xiangjun, Giám đốc điều hành trang trại. 

Sau khi hoàn thành hai trang trại khác tại Việt Nam, công ty có thể sản xuất hơn 700.000 con heo mỗi năm, bệ phóng để New Hope được xếp vào danh sách các nhà sản xuất hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á, dù vẫn đứng sau là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam với khoảng 27 triệu con heo trong 2018.

Mở rộng hoạt động tại nhiều quốc gia

Hoạt động ở nước ngoài của New Hope, gồm 8 cơ sở nghiền thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và những cơ sở khác tại Ai Cập và Nam Phi, chiếm gần 10% của doanh thu năm 2018 là 69 tỉ nhân dân tệ (tương đương 9,77 tỉ USD).

Kể từ năm 2016, New Hope đã chuyển đổi từ hoạt động kinh doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi sang nuôi heo và chế biến thực phẩm, với việc xây dựng hàng chục trang trại công nghiệp mỗi năm và đầu tư vào đưa thực phẩm đến các nhà bếp.

Công ty đã bán 2,55 triệu con heo tại Trung Quốc vào năm 2018, tăng 49% từ năm 2017, và mục tiêu tăng gấp 10 lần con số này vào 2022.

New Hope đã được cấp phép sản xuất thực phẩm từ trang trại nuôi heo đầu tiên của Việt Nam và đang nghiên cứu thị trường trước khi xây dựng một công ty chế biến thực phẩm tiềm năng tại Việt Nam, ông Zhang, Giám đốc trang trại nói. 

Công ty cũng muốn xây dựng các trang trại nuôi heo tại Philippines, và mở rộng trang trại gia cầm tại Indonesia, theo Liu Zhong, Tổng Giám đốc về hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của New Hope Liuhe.

Bất chấp tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam giảm 16% trong năm nay vì nguồn cung giảm và giá tăng cao, nhu cầu đối với loại protein được ưa chuộng nhất quốc gia Đông Nam Á có thể phục hồi vào 2021, ngân hàng Hà Lan Rabobank dự báo. 

Triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo an toàn cho trang trại mới

Dịch tả heo châu Phi giết gần như như toàn bộ số heo nhiễm bệnh và vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. 

Dịch bệnh cũng không bỏ qua những trang trại hiện đại, công nghiệp với tiêu chuẩn vệ sinh cao. 

Tại trang trại ở Bình Phước, nằm ở phía bắc của TP HCM, New Hope đã triển hai hai lớp lọc khí xung quanh mỗi chuồng heo để ngăn chặn virus gây bệnh trong không khí, trong khi khử trùng qua nhiều vòng khi ra và vào trang trại sẽ khiến dịch tả heo không thể xâm nhập, đại diện của công ty cho biết.

Việc mở rộng tại Việt Nam có thể sẽ không dễ dàng đối với New Hope, theo Reuters

"Tại Việt Nam, nguồn cung đất không nhiều. Ngoài ra, vì chính phủ quan tâm tới tác động môi trường của những dự án (trang trại nuôi heo) này, và cần thời gian dài để cấp phép", ông Ben Santoso, chuyên gia phấn tích tại Rabobank, nhận định. 

Lyly Cao