|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau tin thương vụ sáp nhập được duyệt, cổ phiếu đại gia viễn thông tăng gần 80% trong một phiên

17:18 | 12/02/2020
Chia sẻ
Sau khi thỏa thuận sáp nhập trị giá 26 tỉ USD với T-Mobile được thẩm phán chấp thuận, giá cổ phiếu của Sprint đã tăng vọt gần 80%. Cổ phiếu SoftBank - cổ đông lớn của Sprint cũng được hưởng lợi.
Giá cổ phiếu của Sprint tăng 77,7% sau khi được chấp thuận sáp nhập với T-Mobile - Ảnh 1.

Ảnh: Fox Business

Theo CNBC, giá cổ phiếu của công ty viễn thông Sprint đã tăng vọt 77,7% trong phiên giao dịch 11/2 sau khi một thẩm phán Mỹ ra phán quyết ủng hộ thỏa thuận sáp nhập trị giá 26 tỉ USD giữa Sprint và một đại gia viễn thông khác là T-Mobile. Giá cổ phiếu T-Mobile tăng 11,8% trong phiên 11/2.

Vào phiên 10/2, cổ phiếu Sprint cũng đã tăng giá sau khi The Wall Street Journal đưa tin rằng có nhiều khả năng thẩm phán sẽ chấp thuận thỏa thuận này. 

Phán quyết của tòa án đã xóa bỏ một trong những trở ngại cuối cùng của cuộc sáp nhập, mặc dù thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất cho đến khi được Ủy ban Tiện ích Công cộng California cho phép tiến hành.

Phán quyết hôm 11/2 là một kết quả tốt đẹp cho Sprint và T-Mobile. Trong quá khứ, hai công ty này cũng đã nhiều lần tính đến chuyện sáp nhập, nhưng đều phải từ bỏ kế hoạch vì lo ngại sự giám sát của cơ quan quản lí. 

Theo CNBC, vụ kiện này vốn được đưa ra bởi hàng loạt các công tố viên tại New York, California, Connecticut, Michigan, Minnesota,... sau khi thương vụ giữa Sprint và T-Mobile được Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang phê duyệt.

Các bang này lập luận rằng việc sáp nhập nhà mạng lớn số 3 và số 4 của Mỹ sẽ hạn chế cạnh tranh và buộc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. 

Sprint và T-Mobile thì cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp họ cạnh tranh với những công ty hàng đầu là AT&T và Verizon, và trợ giúp cho các nỗ lực xây dựng mạng 5G trên toàn quốc của họ. 

Thẩm phán Victor Marrero là người đã đưa ra phán quyết chấp thuận trên. Ông chỉ ra ba điểm mà tòa án đã dựa vào để bác bỏ sự phản đối của các bang. 

Đầu tiên là các bang đã không thể thuyết phục tòa án rằng thực thể kinh doanh sau sáp nhập "sẽ ngay lập tức thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp, dẫn đến việc tăng giá hoặc giảm chất lượng các dịch vụ viễn thông không dây".

Thứ hai, tòa án bác bỏ lập luận rằng Sprint sẽ có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ Internet không dây nếu không thực hiện sáp nhập. 

Thẩm phán Victor cho biết: "Tòa án đã được thuyết phục rằng Sprint không có chiến lược cạnh tranh bền vững lâu dài và thực tế sẽ mất đi vị thế là nhà khai thác mạng di động tầm cỡ quốc gia".

Và cuối cùng, tòa bác bỏ lập luận của các bang rằng Dish Network "sẽ không tham gia vào thị trường dịch vụ mạng không dây với tư cách là đối thủ cạnh tranh khả thi và cũng không tuân thủ các cam kết của mình là xây dựng một mạng lưới không dây quốc gia".

Theo CNET, Dish Network là một nhà cung cấp truyền hình vệ tinh tại Mỹ. Dish sẽ mua lại các tài sản mà Sprint và T-Mobile thoái vốn sau sáp nhập để tự mình tham gia thị trường dịch vụ mạng không dây. Sự xuất hiện của Dish trong thương vụ này giúp loại bỏ các lo ngại về các hành vi chống cạnh tranh sau khi hai nhà mạng lớn trên sáp nhập.

Trong bài tuyên bố sau phán quyết, Tổng chưởng lý New York Letitia James tuyên bố rằng các bang "hoàn toàn không đồng ý với quyết định này, và sẽ tiếp tục chống lại các vụ sáp nhập qui mô rất lớn gây hại cho người tiêu dùng. Các đạo luật chống độc quyền của nước Mỹ đã được viết ra chính là nhằm chống lạp những vụ sáp nhập lớn này".

Bà Letitia gọi phán quyết này là "sự mất mát" đối với những người Mỹ sử dụng mạng không dây, và cho biết các bang sẽ xem xét những lựa chọn tiếp theo, bao gồm việc kháng cáo.

Bà Letitia nói: "Ngay từ đầu, mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập này là mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty. Bất chấp các lời khẳng định dối trá mà họ tuyên bố, thỏa thuận này sẽ gây hại cho các chủ thuê bao mạng không dây, gây tổn hại đến ví tiền của họ".

Các giám đốc điều hành cấp cao tại T-Mobile và Sprint đang ăn mừng chiến thắng với phán quyết của thẩm phán Victor.

Ông John Legere - CEO của T-Mobile tuyên bố: "Cuối cùng chúng tôi cũng có thể tập trung vào các bước cuối để thực hiện vụ sáp nhập này"

T-Mobile và Sprint đã đồng ý nhượng bộ một số điều với chính phủ trước khi thương vụ được chấp thuận. Hai công ty này nói với Ủy ban Truyền thông Liên bang rằng họ sẽ triển khai mạng 5G phủ sóng tới 97% dân số Mỹ trong vòng ba năm sau khi thỏa thuận hoàn tất.

Sprint cũng đồng ý bán Boost Mobile, Virgin Mobile và các thương hiệu điện thoại trả trước khác. Ngoài ra, Sprint cũng bán một số phổ tần số vô tuyến cho Dish với giá 5 tỉ USD trước khi được Bộ Tư pháp chấp thuận cho sáp nhập với T-Mobile.

Năm ngoái, CEO Legere của T-Mobile đã tuyên bố rằng ông sẽ từ bỏ vị trí của mình. Người kế nhiệm ông sẽ là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mike Sievert. Theo dự kiến ông Legere sẽ rời đi sau khi hoàn thành việc sáp nhập với Sprint.

Cổ phiếu SoftBank ở Nhật Bản cũng tăng sốc

Giá cổ phiếu của Sprint tăng 77,7% sau khi được chấp thuận sáp nhập với T-Mobile - Ảnh 2.

Tỉ phú Masayoshi Son - chủ tịch và CEO của SoftBank. Ảnh: Getty Images

CNBC đưa tin giá cổ phiếu của Tập đoàn SoftBank tại Nhật Bản đã tăng vọt vào thứ Tư (12/2), một ngày sau khi việc sáp nhập giữa Sprint và T-Mobile được thẩm phán liên bang Mỹ chấp thuận. SoftBank là một cổ đông lớn của Sprint.

Giá đóng cửa cổ phiếu Softbank đã tăng 11,89% sau khi có lúc tăng 14% ở đỉnh của phiên giao dịch.

Trước đó, ông Amir Anvarzadeh - chiến lược gia về thị trường chứng khoán tại Asymmetric Advisors, đã viết lưu ý gửi đến các nhà đầu tư vào ngày 11/2 rằng phán quyết chấp thuận sẽ loại bỏ "một tiêu cực lớn có thể xảy ra" đối với SoftBank.

Ông Anvarzadeh nói: "Vụ sáp nhập sẽ xóa 40 tỉ USD nợ của Sprint khỏi bảng cân đối kế toán của SoftBank. Đồng thời việc này sẽ giải quyết vấn đề khó khăn tiềm tàng là tìm kiếm một đối tác M&A khác. Chúng tôi nghĩ rằng SoftBank đã một lần nữa thành công trong việc xoay sở thoát khỏi rắc rối lớn".

Diễn biến này là một một sự thúc đẩy tích cực cho SoftBank trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho thấy tập đoàn Nhật Bản này đang phải vật lộn để huy động vốn cho quĩ Vision thứ hai. Quĩ Vision thứ nhất của SoftBank từng rót tiền vào nhiều công ty, trong đó phải kể đến các ứng dụng gọi xe Uber và Grab.

Giang