|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau phiên lao dốc 10%, liệu chứng khoán Mỹ có hồi phục nhanh chóng như thời kì sau Ngày thứ Hai đen tối' 1987?

16:14 | 13/03/2020
Chia sẻ
Các chiến lược gia cổ phiếu khuyên nhà đầu tư nên chú ý tới những nét tương đồng với cuộc sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1987 với tình hình hiện tại. Một số cho rằng thị trường có thể sẽ bật tăng nhanh chóng giống như những gì xảy ra trong quá khứ.
Liệu chứng khoán Mỹ có hồi phục nhanh chóng như thời kì sau "Ngày thứ Hai đen tối"? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP

Hôm 12/3, Dow Jones mất 2.352,6 điểm, tương đương mức sụt giảm 10%. Tính theo tỉ lệ % đây là phiên sụt giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ khi thị trường sụp đổ trong "Ngày thứ Hai đen tối" 19/10/1987.

Theo CNBC, một số nhà đầu tư đang tự hỏi liệu thị trường có thể bật tăng mạnh mẽ giống như cách chứng khoán Mỹ đi lên sau khi thị trường sụp đổ năm 1987 hay không.

Các chiến lược gia thị trường chứng khoán đã tìm thấy một vài nét tương đồng trong diễn biến của thị trường chứng khoán hiện tại với năm 1987, dù nguyên nhân dẫn đến các cuộc bán tháo là hoàn toàn khác nhau.

Năm 1987, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng Mỹ sẽ tăng thuế đối với các thương vụ mua bán và sáp nhập. Ngoài ra, phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử trong ngày "thứ Hai đen tối" trầm trọng hơn ngày nay, vì giao dịch điện tử thời đó không có công cụ ngắt mạch thị trường

Ông Matt Maley, chiến lược gia cổ phiếu tại Miller Tabak nói: "Năm 1987, thời gian sụt giảm của thị trường chứng khoán diễn ra lâu hơn, nhưng mọi thứ thực sự sụp đổ chỉ trong 10 ngày". Thị trường chứng khoán Mỹ lên đến đỉnh vào tháng 8/1987.

Các chiến lược gia cổ phiếu nói rằng nếu thị trường chứng khoán ngày nay không có công cụ ngắt mạch, thì sự lao dốc của thị trường những ngày vừa qua có thể đã trầm trọng hơn nhiều. 

Hôm 12/3, chỉ số S&P 500 giảm 9,5% so với mức đóng cửa phiên trước và thấp hơn 29% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 2 vừa qua.

Liệu chứng khoán Mỹ có hồi phục nhanh chóng như thời kì sau "Ngày thứ Hai đen tối"? - Ảnh 2.

Ông James Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư của Tập đoàn Leutkeep cho biết còn có những điểm tương đồng khác trong thị trường chứng khoán năm 1987 và năm 2020.

"Trong cả hai trường hợp, tỉ lệ thất nghiệp rất thấp, và nền kinh tế ở trong trạng thái lành mạnh trước khi chứng khoán lao dốc. Trong cả năm 1987 và 2020, thị trường chứng khoán giảm điểm rất nhanh và mạnh… và kiểu mẫu các sự kiện trước và sau khi thị trường lao dốc cũng rất giống nhau".

"Sau khi thị trường sụp đổ hồi năm 1987, rất nhiều người cũng đưa ra cảnh báo rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra, giống như bây giờ".

Ông Paulsen nói hiện vẫn chưa rõ COVID-19 sẽ có tác động thế nào đến nền kinh tế.

Sau phiên lao dốc 10%, liệu chứng khoán Mỹ có hồi phục nhanh chóng như thời kì sau Ngày thứ Hai đen tối' 1987? - Ảnh 4.

Nguồn: Leuthold Group

Ông Paulsen viết: "Không ai biết cuộc khủng hoảng bây giờ sẽ tiếp diễn như thế nào. Nhưng nhà đầu tư nên xem xét những sự tương đồng của nó với cuộc sụp đổ đáng sợ của thị trường hồi năm 1987. Không có cuộc suy thoái nào diễn ra ngay sau nó. Và thị trường đã bật tăng 30% từ mức đáy ngay trong năm 1988 và đạt được đỉnh mới trong vòng 18 tháng". 

Vị chuyên gia đầu tư của Tập đoàn Leutkeep này nói rằng dù nguyên nhân dẫn đến bán tháo trong quá khứ và hiện tại là khác nhau, nhưng tâm lí hoảng loạn rộng rãi của nhà đầu tư và sự sụt giảm nhanh chóng của thị trường trong cả hai trường hợp lại giống nhau.

Chiến lược gia Maley tại Miller Tabak nói thị trường sụp đổ năm 1987 không phải là vì lí do kinh tế. 

Liệu chứng khoán Mỹ có hồi phục nhanh chóng như thời kì sau "Ngày thứ Hai đen tối"? - Ảnh 3.

Phản ứng của các nhà đầu tư khi theo dõi bảng giá chứng khoán trong "Ngày thứ Hai đen tối" 19/10/1987. Ảnh: Getty Images

Ông Maley nói: "Mọi thứ bắt đầu với một tuyên bố mang tính chất thăm dò phản ứng của thị trường, đề xuất đánh thuế nặng hơn đối với các cuộc thâu tóm thường được thực hiện trong thời kì này".

Lúc đó, các nhà đầu tư cũng sử dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro hoặc quyền chọn, dẫn đến việc nhiều người buộc phải bán giải chấp chứng khoán.

Ông Maley nói: "Thị trường năm 1987 rất hỗn loạn, nhưng không phải vì các nhà đầu tư lo lắng về suy thoái. Ngày nay, các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu do quan ngại về nền kinh tế. Họ sợ rằng COVID-19 sẽ đẩy thế giới vào suy thoái và giá dầu mỏ thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tín dụng".

Giang